Điểm tựa hậu phương của những người lính xa quê Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dẫu là vợ lính thời bình nhưng những người phụ nữ Hà Tĩnh vẫn luôn ngày đêm lo toan, gánh vác mọi việc thay chồng. Nỗi nhớ chồng thường được các chị giấu kín trong những nụ cười lúc chia xa để các anh yên tâm công tác.

Một ngày giữa tháng 12, trời lạnh, mưa lất phất bay, tôi đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1980), tại tổ dân phố 1, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Chị niềm nở đón tôi bằng một nụ cười hiền, nhưng khi tôi nhắc đến người chồng là bộ đội đang công tác ở ngoài khơi xa, chị không khỏi xúc động.

Điểm tựa hậu phương của những người lính xa quê Hà Tĩnh

Những món quà kỷ niệm anh Trung mang về từ quần đảo Trường Sa luôn được mẹ con chị Hằng giữ gìn rất cẩn thận.

Chồng chị là Trung tá Nguyễn Quang Trung (SN 1979) - Đảo trưởng Đảo Phan Vinh, thuộc quần đảo Trường Sa. Anh chị quen nhau từ năm 2002 - lúc còn học ở Đồng Nai. Đến năm 2005, họ nên duyên vợ chồng và đón con gái đầu lòng là Nguyễn Ly Na (SN 2006) và năm 2008, đón thêm con trai Nguyễn Trung Quân.

Điểm tựa hậu phương của những người lính xa quê Hà Tĩnh

Hai người con của anh Trung, chị Hằng luôn cố gắng bảo ban nhau học tập, giúp đỡ mẹ khi bố vắng nhà.

“Vợ chồng tôi yêu nhau và kết hôn đến nay đã 20 năm nhưng thời gian ở gần nhau không nhiều. Hai lần vượt cạn không có chồng bên cạnh, tôi cũng tủi thân, các con không được bố ôm ấp, vỗ về lúc mới lọt lòng. Ngày ấy, ngoài đảo chưa có sóng điện thoại, tôi phải gửi thư tay báo tin con chào đời, nhưng cũng phải hằng tháng trời, thư mới đến tay anh ấy” - chị Hằng trải lòng.

“Tết này sẽ là năm thứ 4 anh xa gia đình, đón tết ngoài đảo xa. Những cái tết đầu khi làm vợ, thấy gia đình bạn bè sum vầy hạnh phúc, tôi cũng chạnh lòng. Nhưng dần rồi cũng quen, hơn nữa làm vợ bộ đội thì ai cũng phải có sự cảm thông, vượt khó mới có thể vun vén hạnh phúc gia đình. Hai con dù không có bố bên cạnh nhưng vẫn luôn hiểu chuyện, yêu thương, biết giúp đỡ mẹ. Đó là điều vợ chồng tôi tự hào và hạnh phúc nhất” - chị Hằng tâm sự.

Tạm biệt gia đình chị Hằng, tôi đến thăm nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1988) tại tổ dân phố 13, thị trấn Cẩm Xuyên. Chồng chị Hiền là Thượng úy chuyên nghiệp Trần Đức Thọ (SN 1984), hiện là nhân viên cơ yếu tại đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa.

Điểm tựa hậu phương của những người lính xa quê Hà Tĩnh

Chị Hiền dạy bảo các con luôn tự hào về nghề nghiệp của bố

Theo lời chị Hiền, anh Thọ trước đây công tác tại nhiều đơn vị khác nhau trên địa bàn tỉnh, thường xuyên vắng nhà. Nhưng, năm nay là một cái tết đặc biệt hơn khi đây là năm đầu tiên anh Thọ nhận lệnh ra đảo Sinh Tồn Đông làm nhiệm vụ.

Điểm tựa hậu phương của những người lính xa quê Hà Tĩnh

Mẹ con chị Hiền thường ngắm ảnh chồng được lưu trong điện thoại.

Chị Hiền chia sẻ: “Người ta thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng khi đã là vợ bộ đội, tôi chấp nhận đảm đương hết mọi việc trong nhà để chồng yên tâm công tác. Tôi hiểu thế nào là trọng trách mà anh luôn phải gánh trên vai. Đó là những tháng ngày lênh đênh trên biển giữ bình yên đất nước, là những ngày dài hành quân đằng đẵng không được liên lạc về nhà… Làm vợ lính là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào”.

Nghĩ thế nên chị Hiền thấy thương chồng nhiều hơn, chị thường dạy bảo các con luôn tự hào về người bố của mình. Cậu bé Trần Đức Anh (SN 2015) - con trai út của anh Thọ, chị Hiền, khi được hỏi: “Sau này cháu có thích trở thành bộ đội giống bố Thọ không?” - Đức Anh hồn nhiên trả lời: “Mẹ cháu bảo bố là bộ đội, bố đi xa để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ mẹ con cháu. Thế nên, cháu mong lớn nhanh để được làm bộ đội như bố, giúp bố bảo vệ đất nước, bảo vệ mẹ…”.

Mỗi người vợ lính đều có một câu chuyện riêng. Song, câu chuyện của chị Thiều Thị Phương Nhung (SN 1986, tổ dân phố 3, thị trấn Thạch Hà) lại khiến tôi day dứt hơn cả. Chồng chị là liệt sĩ Trần Quốc Dũng, 1 trong 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh khi làm nhiệm vụ giúp dân phòng chống và khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) vào năm 2020.

Dù không thể gặp mặt trực tiếp chị Nhung do chị đang huấn luyện tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, nhưng nói chuyện với chị qua điện thoại, tôi có thể cảm nhận được phần nào những nỗi đau mà chị vẫn âm thầm chịu đựng. Sau khi chồng ra đi, chị trở thành một người vợ liệt sỹ giữa thời bình. Sau những mất mát không gì có thể bù đắp ấy, chị Nhung lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong, kiên cường vượt khó, tích cực cống hiến cho xã hội.

Điểm tựa hậu phương của những người lính xa quê Hà Tĩnh

Chị Phương Nhung thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Đầu tháng 12/2020, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã trao quyết định tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp cho chị Thiều Thị Phương Nhung. Chị trở thành thượng úy chuyên nghiệp, làm nhân viên hành chính, thuộc Văn phòng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày ngày làm việc bên đồng đội của anh, chị Nhung thấy bản thân được an ủi rất nhiều. Chị vẫn luôn cảm nhận thấy có bóng dáng chồng luôn dõi theo, chở che cho cả gia đình. Chị Nhung chia sẻ: “Tôi xác định, mình cần phải vững vàng, cứng cỏi để nuôi dạy các con nên người, thay chồng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, luôn hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, cứng cỏi như chồng để không phụ sự quan tâm của đơn vị và sự hy sinh của anh ấy”.

Điểm tựa hậu phương của những người lính xa quê Hà Tĩnh

Khi được làm việc cùng các đồng đội của chồng, chị Nhung (thứ 2 từ phải sang) được tiếp thêm động lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Những người vợ lính như chị Hằng, chị Hiền hay chị Nhung và những người vợ bộ đội trên khắp đất nước là điểm tựa tinh thần, là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm bảo vệ bình yên Tổ quốc. Các chị đã góp phần làm đẹp thêm phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống