Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Hoàng Văn Thái (SN 1953) và bà Cao Thị Uyển (SN 1958) ở thôn Nam Tiến, xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) luôn rộn rã tiếng cười nói, tiếng bi bô học bài của những đứa trẻ. Đó là niềm hạnh phúc tuổi già mà đã có lúc ông Thái từng nghĩ sẽ không bao giờ có được.
Ông Thái sống hạnh phúc trong căn nhà luôn rộn rã tiếng cười nói, tiếng bi bô học bài của những đứa trẻ.
Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Thái khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Vào sinh ra tử, tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường miền Nam, Campuchia, tháng 3/1974 - khi đang là Tiểu đội trưởng Tiểu đội DKZ 75 - Trung đoàn 24 (Quân khu 8), ông Thái trúng mảnh đạn pháo, bị thương rất nặng. “Vỡ một phần xương hộp sọ, phải bỏ hoàn toàn mắt trái cùng nhiều mảnh đạn găm vào đầu, tôi đã nghĩ mình không thể sống sót để trở về. Nhưng rồi được anh em đồng đội cứu chữa, đưa về trại an dưỡng dành cho thương binh nặng ở Nghệ An để điều trị, tôi dần hồi phục” - ông Thái chia sẻ.
Trở về quê hương, từ một chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú, ông trở thành một thương binh với sức khỏe giảm sút, khuôn mặt không còn lành lặn như xưa. Hạnh phúc đã đến khi ông có duyên gặp gỡ cô gái cùng làng Cao Thị Uyển. Năm 1981, vì cảm mến sự chân thành, kính phục sự hy sinh, mất mát của ông Thái, bà Uyển đã đồng ý lấy ông làm chồng. Tròn một năm sau, ông bà vui mừng chào đón đứa con gái đầu lòng; rồi những năm sau đó, lần lượt 3 đứa con (1 trai, 2 gái) nữa ra đời.
Ông Thái và bà Uyển xem lại kỷ niệm thời quân ngũ của ông.
Chồng đau yếu, 4 đứa con tuổi ăn tuổi học, một mình bà Uyển tất bật với việc đồng áng, tăng gia chăn nuôi, trồng trọt mới đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, thuốc thang cho chồng. Vất vả là thế nhưng ông bà luôn tâm niệm phải nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn.
Thương mẹ tần tảo, tự hào về sự anh dũng, kiên cường của cha, 4 người con đều chăm ngoan, học giỏi. Đến nay, các con của ông bà đã trở thành giáo viên, chiến sỹ công an; con cái, dâu rể đều là đảng viên, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Một người vợ tần tảo, những đứa con hiếu thảo đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc để ông Thái vượt qua nỗi đau mà chiến tranh để lại; là động lực để ông tiếp tục sống những năm tháng cuộc đời ý nghĩa. Ông là hội viên gương mẫu của hội CCB, hội người cao tuổi, tích cực tham gia phong trào tại địa phương; động viên con cháu nỗ lực học tập, công tác để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông.
Người vợ tảo tần và con cháu hiếu thảo là động lực để ông Thái tiếp tục sống những năm tháng cuộc đời ý nghĩa.
Bà Phan Thị Lan - Bí thư Chi bộ thôn Nam Tiến cho biết: “Ông Thái, bà Uyển là những người có uy tín tại địa phương; được bà con chòm xóm yêu quý, tôn trọng. Gia đình ông bà nhiều năm đạt danh hiệu gia đình hiếu học cấp huyện, cấp tỉnh”.
Dù may mắn hơn nhiều đồng đội khi được sống sót trở về nhưng nhiều CCB phải mang trong mình di chứng nặng nề của chiến tranh. Hàng chục năm trôi qua, ký ức đau thương vẫn trở về trong từng cơn đau, giấc ngủ chập chờn của CCB Trần Quốc Việt (SN 1949) ở thôn Phú Mỹ, xã Thạch Mỹ (Lộc Hà).
Bị thương nặng trong một trận đánh ác liệt ở chiến trường Tây Nguyên vào tháng 12/1974, ông Việt tưởng chừng không qua khỏi. Với sự tận tình cứu chữa của đồng đội, nghị lực phi thường của bản thân và tình yêu của vợ - bà Hồ Thị Nhùy (SN 1959), ông đã vượt qua nghịch cảnh.
Bà Nhùy luôn đồng hành cùng ông Việt khi ông tập đi, tập nói, tập làm những việc đơn giản trong cuộc sống hằng ngày.
Tập đi, tập nói, tập làm những việc đơn giản trong cuộc sống hằng ngày, ông đều có vợ đồng hành, sẻ chia. Bà chăm ông từ viên thuốc, bữa ăn giấc ngủ, bầu bạn với ông sớm chiều để ông quên đi những cơn đau hành hạ thể xác, những ám ảnh của cuộc chiến tàn khốc. Không chỉ chăm sóc chồng, bà còn tần tảo sớm hôm để nuôi dạy 3 đứa con trưởng thành.
Ông Việt chia sẻ: “Tôi biết ơn bà ấy nhiều lắm! Nếu không có bà ấy, có lẽ tôi không có ngày hôm nay. Ở tuổi xế chiều, vợ và các con càng trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc để tôi vui sống tuổi già”.
Sự chia sẻ tận tâm của bà Nhùy chính là động lực để ông Việt sống vui khỏe mỗi ngày.
Những người cựu binh đã hiến dâng tuổi trẻ, một phần xương máu cho Tổ quốc. Trở về mang theo nỗi đau thể xác, ám ảnh tinh thần, gia đình một lần nữa trở thành hậu phương vững chắc, tiếp thêm động lực để họ sống những tháng ngày có ý nghĩa, xứng đáng với bản chất người lính Cụ Hồ.