Sáng 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ khai trương trực tuyến Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự lễ khai trương. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tiết kiệm ngân sách Nhà nước 460 tỷ đồng/năm
Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đi vào vận hành được coi là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ xa dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì, điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối với các trung tâm điều hành, hệ thống thông tin báo cáo, các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương, trở thành một trong những thành phần cốt lõi của hạ tầng số thông minh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phỉ Mai Tiến Dũng phát biểu tại lễ khai trương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Từ Trung tâm, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra được các hoạt động theo từng lĩnh vực do các bộ, ngành, địa phương quản lý. Đồng thời, thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến, giúp lãnh đạo Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa.
Lợi ích của Hệ thống và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành là thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ xa dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số thông qua các hệ thống thông tin báo cáo, bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo…
Đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh chứng kiến nghi thức khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia.
Thay vì gửi, nhận báo cáo tháng, quý, 6 tháng, báo cáo năm hay các báo cáo đột xuất khác bằng giấy thì các bộ, cơ quan cập nhật lên hệ thống theo chế độ báo cáo và có hiển thị thời gian thực hiện. Người đứng đầu Chính phủ, các bộ, cơ quan qua hệ thống có thể thấy diễn biến tình hình kinh tế - xã hội hoặc các vấn đề quan tâm khác trong các lĩnh vực.
Điều này giúp Chính phủ có dự báo, nhận định tình hình, đưa ra các giải pháp căn cơ, xử lý chính xác tình hình các vấn đề, nội dung được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế quan tâm…
Đến nay, đã có 16 bộ, cơ quan kết nối với hệ thống; 20 chế độ báo cáo và 61/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên hệ thống. Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua hệ thống, ước tính tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước 460 tỷ đồng/năm.
Hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hoạt động phục vụ Nhân dân
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lễ khai trương là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn khi cả nước đang thi đua lập thành tích chào mừng 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Đồng thời, biểu dương nỗ lực của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, đơn vị đã tích cực triển khai để hệ thống được khai trương đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; cảm ơn sự đóng góp của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu trong lựa chọn các chức năng, tính năng, giải pháp tiếp cận hệ thống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đặc biệt, sự kiện cũng công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 - đây là cơ sở hình thành doanh nghiệp, công dân điện tử. Qua báo cáo cho thấy, dù trong giai đoạn thử nghiệm, hệ thống đã vận hành khá hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, thời gian tới, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số gắn với quản trị công, chuyển đổi số, thúc đẩy mạnh mẽ kết nối liên thông, tương tác, cung cấp các dịch vụ công có hiệu quả.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo lễ khai trương (ảnh chụp màn hình).
Bên cạnh đó, thông tin dữ liệu phải có sự thống nhất theo tiêu chuẩn; cần phải đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin của cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng.
Riêng đối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, phải hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như: Xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế… tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của cổng, đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, mục tiêu là hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020. Tiếp tục phát triển hệ thống phần mềm phù hợp với nội dung hoạt động, tạo sự thân thiện, thuận lợi cho người sử dụng.
Đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đối với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn hoá triển khai danh mục hệ thống thông tin báo cáo cấp bộ, địa phương, kết nối với hệ thống Trung ương.
Các bộ, địa phương không được chỉnh sửa số liệu để lấy thành tích; thông tin dữ liệu càng chính xác, tin cậy, minh bạch, càng đẩy mạnh số hoá, liên thông, chia sẻ thông tin để hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hoạt động phục vụ Nhân dân.
Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị các đại biểu phải có nhận thức đầy đủ về vai trò của Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quán triệt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tích cực tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp và hệ thống hưởng lợi từ dịch vụ này, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tạo sự năng động cho hệ thống hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Theo từng ngành, lĩnh vực, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến đại bộ phận Nhân dân; trong phạm vi của mình có liên quan đến trách nhiệm của công chức, của hệ thống phải nhập dữ liệu vào hệ thống quốc gia. Cùng chung tay để đưa hệ thống ngày càng hữu ích, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. |