Hi sinh đâu chỉ có trong thời chiến

(Baohatinh.vn) - Khi đất nước không còn tiếng súng, sứ mệnh của người lính cũng không nhẹ nhàng hơn. Những chiến sĩ vẫn đang ngày đêm âm thầm chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.

1a.jpg
Đồng đội cùng gia đình đưa Thiếu tá Trần Ngọc Duy - phi công dũng cảm, đã hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu vào tháng tháng 1/2023 về quê hương

Sứ mệnh không bao giờ kết thúc

Hòa bình không phải là điểm dừng cho sứ mệnh của người lính mà là khởi đầu cho những trách nhiệm mới, âm thầm nhưng đầy thử thách. Khi tiếng bom đạn đã lùi vào quá khứ, người lính vẫn tiếp tục cuộc chiến khác, một cuộc chiến không kém phần khắc nghiệt. Họ đối mặt với những nhiệm vụ tưởng như bình thường: huấn luyện, diễn tập và cứu hộ cứu nạn… nhưng tất cả đều tiềm ẩn nguy hiểm, thậm chí là mất mát lớn lao. Với họ, hòa bình không phải là sự nghỉ ngơi mà là lời nhắc nhở về sứ mệnh bảo vệ đất nước, bảo vệ từng nhịp sống bình yên.

b4.jpg
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nỗ lực dọn dẹp giúp dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ảnh: qdnd.vn

Những bài huấn luyện quân sự tưởng chừng chỉ là công việc hàng ngày nhưng luôn rình rập những hiểm nguy. Một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhưng dù phải đứng trước nguy cơ mất an toàn, những người lính vẫn bước đi đầy kiên cường, không hề nao núng hay chùn bước. Với họ, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là một nhiệm vụ đơn thuần mà là trách nhiệm thiêng liêng, là sứ mệnh cao cả đã thấm sâu vào từng hơi thở, từng nhịp tim. Những giọt mồ hôi đổ xuống trên thao trường không chỉ là minh chứng cho nỗ lực rèn luyện mà còn là lời khẳng định cho ý chí sắt đá, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc. Dù trong thời bình, những người lính vẫn mang trong mình tinh thần cảnh giác cao độ, luôn sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì đất nước. Họ gạt bỏ những nỗi sợ hãi cá nhân, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng.

Quay ngược thời gian vào tháng 1/2023, một sự việc đau thương đã xảy ra, khiến tất cả chúng ta không thể không xót xa. Thiếu tá Trần Ngọc Duy, một phi công dũng cảm, đã hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu. Với tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm, đồng chí Duy đã cố gắng điều khiển máy bay để tránh gây hại cho khu vực xung quanh. Hành động của anh đã thể hiện một nghị lực phi thường và sự hi sinh cao cả vì nhiệm vụ, để lại trong lòng đồng đội và người dân niềm tiếc thương sâu sắc.

1.jpg
trang2.jpg

Gần đây nhất, chúng ta đau thương trước sự hi sinh của 12 quân nhân thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7 trong khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thuốc nổ đến vị trí tập kết phục vụ diễn tập. Dẫu biết rằng “Thao trường là chiến trường”, nhưng mất mát này vẫn là nỗi đau không gì bù đắp được, khắc sâu trong lòng đồng đội, gia đình và toàn xã hội. Những người lính ra đi để lại sau lưng những giấc mơ còn dang dở, những lời hứa chưa kịp thực hiện, và cả những ánh mắt mong mỏi ngày trở về của người thân.

Không ai bắt họ phải hi sinh nhưng họ chọn làm điều đó. Không phải vì vinh quang mà vì lòng trung thành với đất nước, vì một tương lai yên bình cho thế hệ sau. Mỗi lần dấn thân vào giông bão, mỗi đêm lặng lẽ canh giữ biên cương, người lính đều đặt lên vai mình trách nhiệm cao cả.

Những anh hùng giữa đời thường

Trong thiên tai, dịch bệnh hay bất kỳ tình huống nguy hiểm nào, hình ảnh người lính luôn hiện lên như biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần sẵn sàng hi sinh. Họ là những người đầu tiên có mặt trong những trận lũ dữ, những cơn bão lớn hay những trận hỏa hoạn. Với họ, sự sống của người dân luôn đặt lên hàng đầu, ngay cả khi điều đó có thể đồng nghĩa với việc đánh đổi mạng sống của chính mình.

Đã hơn 4 năm trôi qua nhưng sự hi sinh của 13 chiến sĩ Rào Trăng năm ấy vẫn để lại trong lòng người dân, đặc biệt là những người thân yêu của các anh một nỗi đau đớn khôn nguôi và một sự cảm phục vô hạn. Vào tháng 10 năm 2020, khi bão lũ tàn phá miền Trung, các chiến sĩ đã không ngần ngại dấn thân vào con đường gian nan, hiểm trở để cứu giúp người dân vùng lũ. Dù biết rằng mưa bão, đất đá có thể đổ sập bất cứ lúc nào, họ vẫn dũng cảm lên đường, mang theo hy vọng và niềm tin vào sự sống. Nhưng trong một chuyến đi cứu hộ, một thảm kịch đã xảy ra: họ đã không trở về. Nỗi đau mất mát vẫn còn vẹn nguyên, nhưng cùng với đó là niềm tự hào về những con người đã ngã xuống vì sự an nguy của đồng bào.

rao-trang-3.jpg
Lực lượng tìm kiếm những người mất liên lạc tại khu Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ bị sạt lở. Ảnh: Bộ đội Biên phòng.

Nhớ lại những khoảnh khắc đầy đau xót trong cơn bão Yagi cách đây 3 tháng, khi cơn bão dữ dội đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, chúng ta không khỏi bàng hoàng và xúc động khi biết rằng đã có những chiến sĩ hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu giúp Nhân dân. Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (27 tuổi), Đại đội trưởng Đại đội 3, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 đã dũng cảm lao vào cứu đồng đội trong giây phút nguy nan và hi sinh anh dũng. Thiếu tá QNCN Tăng Bá Hưng, thuộc Lữ đoàn 653, khi làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão đã hi sinh trong một tai nạn rò rỉ điện. Những mất mát này để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng đồng đội và Nhân dân.

Đối với người chiến sĩ, mỗi cuộc chiến với thiên tai, dịch bệnh hay thảm họa không chỉ là một nhiệm vụ, mà là lời thề thiêng liêng, một trách nhiệm cao cả không bao giờ được quên. Đó là sự hi sinh không tính toán, là tấm lòng sẵn sàng quên mình vì lợi ích của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân. Dù trong những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất, người chiến sĩ vẫn vững vàng, kiên định vì một lý tưởng duy nhất: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Họ luôn mang trong mình tinh thần cống hiến vô điều kiện, không ngừng bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.

Hoà bình là sự kết tinh giữa máu và nước mắt

Hòa bình hôm nay là thành quả thiêng liêng, được đổi lấy bằng máu của những người đã ngã xuống và nước mắt của những người ở lại. Mỗi người chiến sĩ hi sinh vì quê hương, đất nước không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà còn là nỗi đau thầm lặng, khôn nguôi của gia đình họ. Dòng máu đỏ đã đổ xuống, những giọt nước mắt mặn chát đã rơi, tất cả chưa bao giờ là vô nghĩa, đó là nền móng vững chắc cho sự trường tồn của hòa bình, cho sự phát triển của đất nước.

1a-4270.jpg
Những bài huấn luyện quân sự tưởng chừng chỉ là công việc hàng ngày nhưng luôn rình rập những hiểm nguy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Như vậy, hoà bình không phải là điểm kết thúc mà là sự tiếp nối của công cuộc bảo vệ, gìn giữ trước những thử thách để thế hệ mai sau được sống trong yên bình và hạnh phúc. Chính vì thế, chúng ta cần phải biết trân trọng quá khứ, biết ơn những người đã hi sinh và nâng niu nền hòa bình mà chúng ta đang được hưởng hôm nay.

Sự hi sinh của những người lính trong thời bình không ồn ào, không phô trương nhưng lại vô cùng cao quý và thiêng liêng. Họ ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, để giữ cho mỗi người dân được sống trong sự bình yên, không lo âu trước hiểm họa. Những người lính ấy chính là ngọn lửa bất diệt, thắp sáng lên ý chí kiên cường, lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Sự hi sinh của họ mãi mãi là bản anh hùng ca bất tận, được khắc ghi sâu sắc trong trang sử hào hùng và trong trái tim của mỗi người Việt. Hòa bình hôm nay là kết tinh từ những cống hiến thầm lặng ấy và chúng ta sẽ không bao giờ quên.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Bước chân người lính tràn đầy niềm tin

Bước chân người lính tràn đầy niềm tin

Với chất lượng tuyển chọn cao, những thanh niên Hà Tĩnh đang thực hiện khát vọng và trách nhiệm với quê hương, đất nước, sẵn sàng cống hiến sức trẻ, trí tuệ, làm tròn trách nhiệm của công dân với Tổ quốc.
Tiếp bước cha anh, hát vang khúc quân hành…

Tiếp bước cha anh, hát vang khúc quân hành…

Tiếp bước cha anh, 1.568 người con ưu tú trên quê hương Hà Tĩnh đã nô nức lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hành trang của những người lính trẻ mang theo là hình bóng quê hương thân yêu, những lời hứa danh dự với người ở lại, dòng máu cách mạng luôn sục sôi, sức trẻ đầy khát khao cống hiến và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng…
Tổ quốc gọi thanh niên sẵn sàng

Tổ quốc gọi thanh niên sẵn sàng

Trong không khí trang trọng, các tân binh Hà Tĩnh bịn rịn chia tay gia đình, người thân, nhưng ánh mắt rạng ngời quyết tâm. Những cái ôm chặt, những lời dặn dò đầy yêu thương tiếp thêm động lực để họ vững bước lên đường, sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc.
Nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ

Nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ

Nghị định số 16/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
Thanh niên Hà Tĩnh háo hức chờ ngày lên đường tòng quân

Thanh niên Hà Tĩnh háo hức chờ ngày lên đường tòng quân

Ngày 14/2 tới, 1.300 công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự ở 12 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh sẽ lên đường làm nhiệm vụ. Qua nắm bắt, hầu hết công dân trúng tuyển đã cơ bản thu xếp xong việc riêng, háo hức chờ ngày lên đường trong tâm thế sẵn sàng.
Biên cương bình yên

Biên cương bình yên

Dưới sự bảo vệ của những người lính quân hàm xanh, biên cương Hà Tĩnh đón xuân Ất Tỵ 2025 trong đầm ấm, yên bình. Năm mới, khí thế mới, quân và dân vùng “phên dậu” tiếp tục đoàn kết, chung sức phát triển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Những người lính đón Tết giữa trùng khơi

Những người lính đón Tết giữa trùng khơi

Dù đón Tết giữa trùng khơi, song những người lính Hải đội 102 (đóng tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn hạnh phúc, tự hào, sát cánh cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Tết của lính cảnh sát biển ở Hà Tĩnh

Tết của lính cảnh sát biển ở Hà Tĩnh

Tết nơi đầu sóng của các cán bộ, chiến sỹ Hải đội 102 - Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 (đóng tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) dù có phần đơn sơ, giản dị nhưng lại tràn ngập niềm tự hào, chan chứa tình đồng đội, tình quân dân.