Hít bụi mỗi ngày tưởng là chuyện nhỏ, hậu quả khủng khiếp này có mấy ai biết

Bụi từ các công trình xây dựng cộng với khói thải từ các phương tiện gia thông công cộng, ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan trong cơ thể, dẫn tới suy giảm miễn dịch con người dễ bị mắc bệnh hơn.

Nhiều bụi xây dựng nguy hiểm ra sao?

Hàng ngày, khi đi lưu thông trên đường hay trong sinh hoạt đời sống tại các đô thị lớn chúng ta phải chịu một lượng bụi khá lớn từ các phương tiện giao thông, bụi từ công trình xây dựng dở dang... Bụi có nhiều loại kích cỡ và trạng thái khác nhau cho nên nó cũng có những tác động khác nhau tới sức khỏe.

Nếu kích cỡ bụi càng nhỏ thì khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người càng lớn. Người sống ở những nơi nhiều bụi môi trường ô nhiễm sẽ gây ra những tác động xấu tới sức khỏe như viêm nhiễm, co thắt hoặc xơ hóa các tế bào nhu mô phổi…

TS. BS Đinh Văn Lượng, PGĐ Trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia,Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho hay, ô nhiễm môi trường do bụi từ các công trình xây dựng là tác nhân gây ra nhiều chứng bệnh khác nhau. Trong đó, đặc biệt là các bệnh liên quan tới đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, tăng nguy cơ biến chứng của bệnh hen và phổi tắc nghẽn mãn tính. Bụi bẩn còn ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể như bệnh ngoài da, tim mạch, đau mắt…

Bụi từ các phương tiện giao thông và công trình xây dựng khiến cho môi trường ở các đô thị đang bị ô nhiễm.

Khi chúng ta đi qua những nơi có nhiều bụi nếu không có thiết bị bảo vệ (khẩu trang) sẽ thường có phản xạ ho. Ho là một trong những phản xạ tốt của cơ thể để đẩy các dị vật (bụi bẩn) cơ thể hít trong không khí ra ngoài.

“Mức độ ảnh hưởng tới phổi của bụi như thế nào sẽ tùy theo tác nhân khói bụi gây ô nhiễm. Nếu nguồn ô nhiễm đến từ các công trình xây dựng không chỉ có bụi mà còn có kèm theo các hóa chất sử dụng trong xây dựng như sơn, hóa chất từ xi măng, bụi kim loại… đều là những chất ảnh hưởng rất lớn dễ gây ra các bệnh về phổi. Các loại bụi và hóa chất từ công trình xây dựng khi hút vào cơ thể sẽ không thể hiện bệnh ngay tức khắc mà nó tích lũy trong cơ thể tới mức nhất định và gây bệnh. Vì vậy không phải hít nhiều khói bụi hôm nay thì 1-2 ngày sẽ mắc bệnh”, TS. BS Đinh Văn Lượng nói.

Theo một nghiên cứu công trình xây dựng và nhà chiếm tới 32% nguyên nhân gây ra loại bụi siêu vi PM2.5. TS.BS Đinh Văn Lượng khuyến cáo, bụi siêu vi là những hạt trôi nổi trong không khí mắt thường khó có thể nhìn thấy. Đây là loại bụi được tạo từ nhiều chất khác nhau. Các hạt bụi này khi đi vào cơ thể là nguyên nhân gây ra kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở, viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.

Mang khẩu trang có thể tránh được bụi và ô nhiễm

TS.BS Đinh Văn Lượng cho hay, mang khẩu trang khi đi qua những nơi có nhiều bụi công trình xây dựng, khí thải ô nhiễm từ các các phương tiện giao thông là biện pháp ứng phó với ô nhiễm. Khẩu trang chỉ có tác dụng ngăn cản được các loại bụi lớn còn các loại bụi siêu nhỏ trong không khí kích cỡ nhỏ PM 2.5 thì không thể ngăn cản được. Với các loại thải độc hại thì khẩu trang dù tốt tới đâu cũng không thể ngăn cản được.

“Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe khi tham gia giao thông nên tránh những đoạn đường có nhiều bụi hoặc các công trình đang xây dựng. Việc lâu dài bảo vệ sức khỏe vẫn là cải tạo môi trường hạn chế bụi bẩn và khí thải trong không khí”, TS.BS Đinh Văn Lượng cho biết.

Theo Ngọc Minh/Emdep.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói