Học tập Bác Hồ đọc báo

(Baohatinh.vn) - Hồ Chí Minh không những là nhà báo lỗi lạc khai sinh nền báo chí cách mạng, mà Người còn là tấm gương về đọc báo.

Học tập Bác Hồ đọc báo

Ngay cả khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn dành thời gian đọc báo mỗi ngày. Ảnh tư liệu

Với nhiều cách thức và phương pháp tiếp cận với thế giới và thời đại, bằng sự quan sát tinh tường tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm, Hồ Chí Minh đã tích lũy cho mình một lượng kiến thức đồ sộ. Trong các phương pháp đó, có việc đọc và viết báo.

Chính nhờ đọc báo mà ngày 17/7/1919, Người bắt gặp được “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo Nhân Đạo của Pháp. Theo Hồ Chí Minh, đọc sách, báo là cách học tốt nhất. Người nói: “Học thì phải đọc, đọc sách, đọc báo, đọc các tài liệu”. Chính nhờ đọc báo mà Người đã tìm thấy cho mình con đường cứu nước, đã đến được với chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, để có được một lượng kiến thức phong phú và tư duy uyên bác là nhờ đọc sách báo. Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch nước với bao công việc bộn bề, nhưng hầu như ngày nào Người cũng dành thời gian đọc báo.

Bác đọc kỹ, ghi chép tỉ mỉ, quan tâm đến những bài viết, những thông tin cập nhật liên quan đến các địa phương, các tập thể, cá nhân làm việc tốt, những cách làm hay. Người kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng. Nếu ở đâu đó, cá nhân nào làm sai, hoặc không làm hết trách nhiệm được phản ánh trên báo thì Người nhắc nhở, phê bình…

Học tập Bác Hồ đọc báo

Bác Hồ với các phóng viên ảnh. Ảnh tư liệu

Người đích thân góp ý để báo tiếp thu, sửa chữa những sai sót để báo có chất lượng hơn, nhất là tính trung thực của thông tin. Chính Người yêu cầu các báo phải có dòng chữ: “Hoan nghênh bạn đọc phê bình báo” vào hàng cuối trang 1 của báo. Đó là phong cách đọc báo của Bác Hồ mà cán bộ, đảng viên cần học tập và noi theo.

Thiết nghĩ, trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nên có nội dung học tập phong cách đọc báo hằng ngày của Bác. Nên làm cuộc điều tra xem có bao nhiêu cán bộ, đảng viên thường xuyên đọc báo và tạp chí của Đảng.

Vẫn biết làm sao để 100% cán bộ (tính từ cấp Trung ương đến cơ sở) thường xuyên đọc báo Đảng là khó, nhưng Bác Hồ còn làm được, thì sao cán bộ ta học Bác mà kêu khó.

Trước tình hình đó, Ban Bí thư đã có kết luận tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Kết luận của Ban Bí thư (đăng báo Nhân dân số ra ngày 14/4/2020) nêu rõ: “Cần tiếp tục thực hiện việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng”; báo, tạp chí của Đảng “là tài liệu sinh hoạt Đảng quan trọng”.

Học tập Bác Hồ đọc báo

Hội Báo Xuân hàng năm là dịp để động viên, cổ vũ tinh thần đọc báo của Nhân dân

Đọc là để cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận và bản lĩnh chính trị, vận dụng kiến thức vào công việc, vào cuộc sống, vào việc cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc…

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là với người lãnh đạo, quản lý các cấp cần coi việc đọc tạp chí, báo Đảng là để học tập, để nâng cao nhận thức, hiểu thấu được những vấn đề thực tiễn đặt ra… Từ đó mà nâng cao bản lĩnh, lập trường tư tưởng, có tư duy sáng tạo, có cơ sở để tuyên truyền và vận dụng vào công việc và đời sống.

Học tập Bác Hồ đọc báo

Báo Hà Tĩnh với các chiến sỹ đảo Trường Sa

Kết luận của Ban Bí thư cũng đã xác định: “Báo, tạp chí của Đảng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng”; “Các ấn phẩm cần bám sát thực tiễn, đời sống xã hội, tăng sức hấp dẫn, tính thuyết phục”… Đây là yêu cầu bức thiết đối với báo, tạp chí của Đảng trong điều kiện khi mà thị trường báo chí lan tràn và bùng nổ thông tin như hiện nay.

Cần làm sao để qua những ấn phẩm của Đảng, người đọc thấy được sự định hướng về tư tưởng, nâng tầm hiểu biết về thời cuộc, những vấn đề thời sự thiết thực. Có như vậy người đọc mới thấy cần đọc, mới thiết tha; gắn với báo và tạp chí của Đảng như cơm ăn nước uống hằng ngày mà thiếu đi không được.

Kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác Hồ, 95 năm ngày Báo chí cách mạng, 90 năm ngày Tuyên giáo, cán bộ, đảng viên hãy cố gắng học ở Người phong cách đọc báo. Muốn vậy, tạp chí, báo Đảng phải đổi mới về nội dung và cập nhật thông tin đủ sức hấp dẫn, thuyết phục, bổ ích để người đọc cảm thấy cần và thiết thực với mình. Đây là mối quan hệ “cần và đủ”, quan hệ “hai chiều” giữa ấn phẩm và người đọc báo, tạp chí của Đảng như kết luận của Ban Bí thư đã nêu rõ.

Các cấp ủy đảng cần đưa việc đọc báo và tạp chí của Đảng là nội dung thiết thực trong công tác tuyên truyền và giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên; xem ấn phẩm của Đảng là tài liệu quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, phản bác lại những luận điệu sai trái.

Giúp cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, quản lý vững vàng và kiên định về lập trường, tư tưởng, có được nguồn tư liệu phong phú, đa dạng có định hướng trong tiếp cận với luồng thông tin nhiều chiều để có cơ sở vận dụng sáng tạo, đúng đắn đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).