Bác Hồ trong lòng dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Học Bác khó mà không khó, bởi Bác không ở đâu xa, Người hiện lên bình thường, giản dị xung quanh ta mỗi ngày...

Bác Hồ trong lòng dân Hà Tĩnh

Bác Hồ với thiếu niên Hà Nội năm 1956. Ảnh Tư liệu

Chúng tôi đã từng được mẹ kể nhiều lần về chuyện nhìn thấy Bác trong lần Người về thăm Hà Tĩnh năm 1957. Lúc đó mẹ 23 tuổi, tan buổi chợ, mẹ trong đoàn người đứng ở đường Phan Đình Phùng chờ xe chở Bác đi qua: “Đông lắm, người chen chúc nhau, mẹ phải kiễng chân mới nhìn thoáng thấy Bác trong bộ quần áo kaki. Từ trong xe, Bác vẫy tay chào mọi người!”.

Ký ức vẻn vẹn chừng đó, vậy mà, niềm tin yêu, kính trọng theo mẹ suốt cuộc đời, nhất là những lúc gặp khổ đau, bất hạnh. Năm bố tôi hy sinh, mẹ đã mơ gặp Bác. Nước mắt lưng tròng, mẹ hỏi: Bác có biết chuyện Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh hy sinh ở cầu Cấm - Nghệ An không? Bác xoa đầu mẹ an ủi: Bác biết! Bác biết!

Mẹ tôi nay đã già yếu lắm rồi, trí nhớ lẫn lộn. Vậy mà thật lạ, một hôm, bỗng nghe bà gọi toáng lên rồi chỉ vào ti-vi với vẻ mừng rỡ: Bác Hồ! Bác Hồ! Dù không hiểu lời của đoạn phim, nhưng bà ngồi xem say sưa, ngắm nhìn Bác với vẻ tôn kính, ngưỡng mộ.

Như một lẽ tự nhiên, các con tôi, cũng giống những đứa trẻ trong nhiều gia đình Việt Nam, bắt đầu lên ba lên bốn đã biết về Bác Hồ qua những tấm hình được treo trong nhà, in trên trang sách, trang báo. Tuổi thiếu niên, đứa nào cũng mơ ước được một lần về thăm quê Bác.

Bác Hồ trong lòng dân Hà Tĩnh

Bác Hồ nói chuyện tại hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957.

Những chuyến về quê Bác do nhà trường, cơ quan hoặc gia đình tổ chức đều là những kỷ niệm khó phai trong lòng con trẻ. Sau này lớn lên, đi khắp bốn phương, mỗi người mang theo những bức ảnh kỷ niệm chuyến về thăm quê Bác và cao hơn cả là một tình yêu, niềm tin, lòng biết ơn, ngưỡng mộ sâu sắc.

Để rồi, giữa bao miệng lưỡi của các thế lực thù địch, những con dân nước Việt vẫn trọn vẹn một niềm tin với Đảng và Bác Hồ, với đất nước, quê hương.

Cứ mỗi lần nhìn ảnh Bác, xem những thước phim tư liệu về Bác, nghe những bài hát về Bác, tôi lại rưng rưng thương nhớ Bác như với người thân của mình, nhất là vào những ngày này, khi cả dân tộc đang hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người.

“Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa”. Khi tôi sinh ra, cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt. Sau đó 5 năm, ngày 2/9/1969, Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”.

Chồng tôi lúc đó mới 9 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày tháng buồn đau ấy: “Anh cùng các bạn đội mũ rơm ở trong lán học dưới hầm, nghe tin Bác mất, cả lớp ai cũng òa khóc. Khóc nhiều lắm!”.

Bác Hồ trong lòng dân Hà Tĩnh

Bác Hồ với thiếu niên dân tộc. Ảnh Tư liệu

Sau này, mỗi khi nhớ đến sự kiện này, trong tôi lại hiện lên những dòng chữ nghiêng nghiêng trong cuốn Di chúc của Bác được in thành khổ nhỏ bằng bàn tay mà lúc biết đọc tôi đã nhìn thấy: Cuộc chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.

Tôi tin, không chỉ một gia đình bình thường như gia đình tôi luôn có những mẩu chuyện về Bác, mà cả hàng ngàn hàng triệu gia đình Việt Nam khác cũng vậy. Mỗi gia đình, mỗi người có một nỗi nhớ, một kỷ niệm riêng, cách thể hiện cũng không giống nhau, nhưng đều xuất phát từ tình yêu, sự xúc động mãnh liệt về vị lãnh tụ đã mang lại cho người dân Việt Nam cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Người đã nêu tấm gương suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân với lời tâm sự cháy lòng: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Lẽ thường, yêu thương đã trao đi thì yêu thương sẽ được nhận lại. Người đã dành cả tình yêu bao la cho Nhân dân Việt Nam, thì dù Người đã đi xa hơn 5 thập kỷ, trong lòng người dân Việt, tình yêu, lòng biết ơn, sự kính trọng vẫn còn nguyên vẹn.

Bác Hồ trong lòng dân Hà Tĩnh

Học tập và làm theo Bác sẽ giúp con người luôn mạnh mẽ, sáng trong, tràn đầy tình yêu cuộc sống, con người, tình yêu đất nước, quê hương. Ảnh Internet

Học Bác khó mà không khó, bởi Bác không ở đâu xa, Người hiện lên bình thường, giản dị xung quanh ta mỗi ngày. Em nhỏ làm theo 5 điều Bác Hồ dạy; thanh niên “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”; phụ nữ phấn đấu 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; người cao tuổi “Tuổi cao chí càng cao”...Bác ở trong tôi, trong chúng ta mỗi ngày.

Trong buồn vui cuộc sống, trong vất vả gian nan, trong thành công thắng lợi, nhất là mỗi khi chúng ta nản lòng, chồn chân mỏi gối, Bác tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta. Nhà thơ Tố Hữu viết: “Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh/ Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh/ Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi/ Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi”…

“Soi gương, rửa mặt hàng ngày”. Tự soi, tự sửa mình, học tập và làm theo Bác, chúng ta sẽ luôn mạnh mẽ, sáng trong, tràn đầy tình yêu cuộc sống, con người, tình yêu đất nước, quê hương. Chúng ta sẽ biết mình cần phải làm gì, làm như thế nào.

Bác ở quanh ta mỗi ngày!

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Bằng nhiều cách tiếp cận và truyền tải linh hoạt, ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh đang nỗ lực làm mới công tác gia đình, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa trong cộng đồng.
Khi ví, giặm "chạy show"…

Khi ví, giặm "chạy show"…

Không còn đơn thuần xuất hiện trên sân khấu hội diễn tuyên truyền, dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh từng bước hiện diện trong các show diễn giải trí, chuyển hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất mở đường, giúp đỡ người nghèo, tích cực trong các hoạt động của địa phương, anh Trương Quang Nghĩa, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (TP Hà Tĩnh) đã góp sức làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê trong tâm thức bao thế hệ. Trong đó, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi làng quê, đang cần được khôi phục và phát huy.
Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.
Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ông Mai Văn Tường gương mẫu đi đầu, "thắp lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới bằng quyết tâm cao, nghị lực lớn và cả những hy sinh để biến một làng quê khó khăn thành điểm sáng.
Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Những hàng rào bằng tường gạch khô cứng hay thép gai sắc nhọn được thay thế bằng cây xanh kết hợp với bồn hoa. Đây là cách mà một số cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa hay nhà dân trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh làm mới hàng rào, xanh hóa không gian, tạo cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp.
Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn tiền nhân... chính là mạch nguồn bền bỉ, kiến tạo và nuôi dưỡng sức mạnh dân tộc, đưa đất nước Việt Nam không ngừng đi tới.