Hội Người mù Hà Tĩnh nỗ lực vì sự tiến bộ, hạnh phúc của hội viên

(Baohatinh.vn) - Trải qua chặng đường 30 năm, hội người mù các cấp ở Hà Tĩnh đã luôn đoàn kết, nỗ lực vì sự tiến bộ và cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa của hơn 4.000 cán bộ, hội viên trong toàn tỉnh.

Ngày 17/4/1969, Hội Người mù Việt Nam được thành lập. Lấy lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế” để làm mục tiêu, phương châm hoạt động, Hội đã trở thành động lực, cơ sở pháp lý cho hội người mù các tỉnh, thành trong cả nước ra đời.

Hội Người mù Hà Tĩnh nỗ lực vì sự tiến bộ, hạnh phúc của hội viên

Hội Người mù trở thành điểm tựa cho người khiếm thị Hà Tĩnh (Trong ảnh: Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Phạm Thị Thùy thăm hỏi, động viên gia đình hội viên ở huyện Hương Khê, tháng 10/2020.

Sau khi tách tỉnh, ngày 12/11/1991, Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ Hội Người mù Nghệ Tĩnh. 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Hội Người mù Việt Nam; sự quan tâm, giúp đỡ bằng tình thương, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể, Nhân dân tỉnh nhà, Hội Người mù Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Những ngày đầu thành lập, Hội gặp phải muôn vàn khó khăn khi chỉ có 2 hội cơ sở là Hương Sơn và TX Hà Tĩnh với 135 hội viên. Cơ sở vật chất thiếu thốn, không có trụ sở làm việc, cán bộ hội phải ở nhờ nhà dân. Sau một năm thành lập, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành, Hội đã được bố trí phòng làm việc; 10/10 huyện, thị trong tỉnh có tổ chức hội; cán bộ hội cấp tỉnh, huyện, thị có trợ cấp.

Hội Người mù Hà Tĩnh nỗ lực vì sự tiến bộ, hạnh phúc của hội viên

Hội viên người mù được chăm sóc, quan tâm trong cuộc sống. (Trong ảnh: Lãnh đạo Hội Người mù tỉnh tặng quà cho các cháu khiếm thị ở TP Hà Tĩnh nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6).

Qua 6 nhiệm kỳ đại hội, đến nay, 13/13 huyện, thị, thành có tổ chức hội với 4.065 hội viên sinh hoạt tại 216 hội cấp xã, phường; Tỉnh hội và các hội cơ sở đều có trụ sở làm việc, các cơ sở sản xuất tăm, chổi, xoa bóp bấm huyệt, giải quyết nhiều việc làm cho người mù.

Năm 1998, trung tâm dạy chữ, dạy nghề và phục hồi chức năng cho người mù được xây dựng đã giúp hội viên thực hiện ước mơ đến với nguồn sáng văn hóa, được học nghề để vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đến nay, hội đã mở lớp dạy chữ Braille xóa mù chữ và học nâng cao cho hơn 1.000 lượt hội viên.

Hội Người mù Hà Tĩnh nỗ lực vì sự tiến bộ, hạnh phúc của hội viên

Hàng nghìn hội viên được học chữ, xóa mù chữ Braille.

Trong đó, có hàng trăm học sinh được xóa mù chữ, trở về địa phương học tập tại các trường học trên địa bàn. Nhiều em có trình độ đại học, trên đại học, có việc làm ổn định, tiêu biểu như: Đinh Việt Anh, Hoàng Xuân Hạnh, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Thị Thủy, Trần Việt Hoàng...

Hội đã kêu gọi các nguồn tài trợ trang bị máy tính kết nối Internet nhằm giúp người mù tiếp cận với công nghệ thông tin; vận động nhà hảo tâm tặng hàng trăm suất học bổng và máy tính cho hội viên; xây dựng quỹ khuyến học với số tiền gần 300 triệu đồng.

Hội Người mù Hà Tĩnh nỗ lực vì sự tiến bộ, hạnh phúc của hội viên

Được học chữ Braille, người mù vươn lên học tập, đạt nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. (Trong ảnh: Em Trần Việt Hoàng - Can Lộc - người đã giành được học bổng vào Đại học Fulbright Việt Nam).

Thực hiện chủ trương của Trung ương Hội Người mù Việt Nam về tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát từ trái tim”, các cấp hội ở Hà Tĩnh đang tham gia rất tích cực. Trong 5 kỳ hội diễn toàn quốc, Hội Người mù Hà Tĩnh đã giành được 6 HCV, 5 HCB. Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Para Games 2003), Hội thao Người khuyết tật toàn quốc (các năm 2004, 2011), hội viên Hội Người mù tỉnh đã giành được tổng số 13 HCV, 10 HCB, 14 HCĐ.

Sau 30 năm hoạt động, hội đã mở được hàng trăm lớp dạy nghề đan lát, làm tăm, bện chổi, xoa bóp bấm huyệt, tin học, nuôi ong lấy mật và tập huấn kiến thức về khuyến nông, khuyến lâm cho hàng nghìn lượt hội viên…

Hội Người mù Hà Tĩnh nỗ lực vì sự tiến bộ, hạnh phúc của hội viên

Nhiều hội viên người mù tự lập trong cuộc sống và phát triển kinh tế. (Trong ảnh: Ông Phan Đình Hoa - xã Thạch Châu (Lộc Hà) bị khiếm thị bẩm sinh nhưng luôn nỗ lực lao động, nuôi 3 con học đại học).

Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho gần 58.000 lượt hội viên vay với tổng số vốn quay vòng 37,9 tỷ đồng... Nhờ đó, tỷ lệ hộ đói nghèo trong hội viên từ khi mới thành lập là 75%, nay giảm xuống còn 15,21%.

Hội viên còn được quan tâm chăm lo sức khỏe, đời sống: 19.540 lượt hội viên được cấp thẻ BHYT, trợ cấp thường xuyên, khám và chữa bệnh; 23.480 người được mổ mắt thay thủy tinh thể; 953 ngôi nhà của hội viên khó khăn được xây mới với số tiền 15,68 tỷ đồng; gần 49.500 suất quà được trao cho hội viên với số tiền 14,7 tỷ đồng vào các ngày lễ tết, bão lũ.

Hội Người mù Hà Tĩnh nỗ lực vì sự tiến bộ, hạnh phúc của hội viên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trao tặng cây gậy trắng cho người khiếm thị Hà Tĩnh.

Với những kết quả đạt được trong 30 năm qua, Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh được Trung ương Hội Người mù Việt Nam đánh giá là “Mô hình thu nhỏ của Hội Người mù Việt Nam". Hội vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 3 đơn vị, 6 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; nhiều cán bộ, hội viên được nhận bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, UBND tỉnh…

Phấn khởi, tự hào trước những kết quả đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, toàn thể cán bộ, hội viên Hội Người mù Hà Tĩnh quyết tâm nỗ lực, đoàn kết, củng cố tổ chức hội vững mạnh, chăm lo cuộc sống hạnh phúc của hội viên, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Việc sáp nhập Liên đoàn Lao động huyện Lộc Hà (cũ) và Liên đoàn Lao động huyện Thạch Hà nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng Công đoàn Hà Tĩnh vững mạnh.