Người đàn ông khiếm thị miệt mài lao động, cùng vợ nuôi 3 con tốt nghiệp đại học

(Baohatinh.vn) - Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng ông Phan Đình Hoa (SN 1965, ở thôn Bằng Châu, xã Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) khiến bao người nể phục vì nghị lực vươn lên trong cuộc sống, cùng vợ phát triển kinh tế, nuôi 3 con tốt nghiệp đại học.

Sinh ra đã không may mắn khi thị lực hạn chế so với những người khác, đến tuổi niên thiếu, đôi mắt của ông Phan Đình Hoa mù hẳn, không còn nhìn thấy gì. Từ đó đến nay, đã gần 40 năm ông Hoa phải sống trong bóng tối. Không đầu hàng số phận, ông Hoa tự thân nỗ lực và sống một cuộc đời có ý nghĩa, khiến nhiều người nể phục.

Người đàn ông khiếm thị miệt mài lao động, cùng vợ nuôi 3 con tốt nghiệp đại học

Không đầu hàng trước số phận, ông Hoa luôn tự thân lao động để kiếm sống.

"Từ khi mất hẳn thị lực, tôi phải học cách quen dần với cuộc sống trong bóng tối, tập cảm nhận thế giới bằng các giác quan khác để có thể tự làm mọi việc. Ban đầu thì lóng ngóng nhưng rồi việc gì tôi cũng làm được mà không cần phụ thuộc vào người khác” - ông Hoa chia sẻ.

Cảm phục ý chí, nghị lực của người đàn ông khiếm thị, bà Lê Thị Đình (SN 1966 - người cùng thôn) đã đem lòng yêu thương ông và hai người xây dựng hạnh phúc gia đình vào năm 1998. Lần lượt ba đứa con ra đời, cuộc sống gia đình ông càng trở nên chật vật.

Làm lụng vất vả nhưng thu nhập từ công việc đồng áng không đủ trang trải và nuôi con ăn học, năm 2014, ông Hoa bàn với vợ vay vốn của Hội Người mù huyện Lộc Hà để phát triển sản xuất.

Bằng nguồn vốn vay 25 triệu đồng, vợ chồng ông đã đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Công việc chăn nuôi với người bình thường đã vất vả, cực nhọc, với người khiếm thị lại càng khó khăn hơn gấp bội, thế nhưng, ngày ngày ông Hoa vẫn phụ vợ chăn bò, nấu thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, gia đình ông Hoa nuôi 2 con bò nái, 1 con lợn nái, 4 con lợn thịt và đàn gà xuất bán theo lứa.

Người đàn ông khiếm thị miệt mài lao động, cùng vợ nuôi 3 con tốt nghiệp đại học

Ông Hoa thành thạo công việc chăn nuôi, làm vườn dù mắt không nhìn thấy gì.

Không để khu vườn bỏ không, ông Hoa động viên vợ đăng ký với thôn xây dựng mô hình vườn mẫu. Năm 2018, hai vợ chồng ông cùng nhau cải tạo vườn tạp, quy hoạch thành hàng lối để trồng cây ăn quả, các loại rau theo mùa vụ. Chăm chỉ, cần mẫn chăm bón, mỗi năm ông bà thu nhập khoảng 120 triệu đồng từ chăn nuôi, làm vườn.

Nhìn cách ông Hoa cuốc đất làm vườn, chăm sóc vật nuôi, ít ai nghĩ rằng mắt ông không hề nhìn thấy gì. “Tuy có chậm hơn người khác nhưng mọi việc ông ấy đều tự tay làm. Lẽ ra chúng tôi phải động viên ông thì chính ông lại động viên vợ con nỗ lực để vươn lên trong cuộc sống” - bà Lê Thị Đình chia sẻ.

Người đàn ông khiếm thị miệt mài lao động, cùng vợ nuôi 3 con tốt nghiệp đại học

Gia đình ông đăng ký xây dựng vườn mẫu và đã bước đầu cho thu hoạch.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, điều khiến bà con nể phục nhất ở gia đình ông là nền nếp gia phong và thành tích học tập của con cái. Có những thời điểm hai người con đầu cùng học đại học, cậu con trai út vào cấp 3 khiến hai vợ chồng ông đã phải bươn chải, cật lực.

Không phụ công lao cha mẹ, ba người con của ông bà đều học hành đỗ đạt: người con trai cả tốt nghiệp Học viện Hải quân; con gái thứ hai tốt nghiệp Trường Đại học Vinh; con trai út tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ông Hoa chia sẻ: “Tôi mù nên phải quyết chí nuôi con cho “sáng”. Các con đã không phụ công lao cha mẹ, đó là động lực để tôi càng cố gắng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh”.

Người đàn ông khiếm thị miệt mài lao động, cùng vợ nuôi 3 con tốt nghiệp đại học

Vợ chồng ông luôn động viên nhau lao động sản xuất, nuôi dạy con cái nên người.

Ông Hoa cũng là một hội viên tích cực của Hội Người mù huyện Lộc Hà. Ông luôn tham gia đầy đủ các hoạt động phong trào của hội; sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái cho các hội viên khác...

Chủ tịch Hội Người mù huyện Lộc Hà Hồ Sỹ Phong cho biết: “Quên đi bất hạnh cuộc đời để tự thân lao động, cùng vợ nuôi dạy các con thành đạt, ông Hoa trở thành tấm gương cho những người có cùng cảnh ngộ. Ông là nhân tố điển hình trong phong trào lao động sản xuất của Hội Người mù huyện Lộc Hà trong nhiều năm qua”.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.