Các lực lượng Yemen trong chiến dịch truy quét phiến quân Houthi tại tỉnh Taiz. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 2/12, hơn 60 tổ chức phi chính phủ đã lên tiếng kêu gọi Liên hợp quốc lưu trữ tài liệu, điều tra tội ác chiến tranh tại Yemen để buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm trước công lý.
Cụ thể, một nhóm tổ chức, trong đó có Tổ chức Ân xá quốc tế và Tổ chức Theo dõi nhân quyền, đã hối thúc Đại hội đồng Liên hợp quốc nhanh chóng hành động và thiết lập một cơ chế giải trình quốc tế mới cho Yemen nhằm thu thập và lưu trữ những bằng chứng về tội ác chiến tranh tại đây.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từng công bố báo cáo cho rằng các bên tham chiến tại Yemen có thể đang phạm tội ác chiến tranh.
Trong khi đó, truyền thông khu vực đưa tin các lực lượng của Chính phủ Yemen đã giải phóng một vùng đất rộng lớn ở tỉnh Shabwa, miền Nam nước này sau các cuộc giao tranh dữ dội với các tay súng Houthi trong bối cảnh Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu tăng cường tấn công nhiều địa điểm quân sự của Houthi trên khắp đất nước Yemen.
Tờ Arab News của Saudi Arabia dẫn lời một quan chức quân sự của Yemen, cho biết với sự hộ trợ của các máy bay chiến đấu thuộc Liên quân Arab, quân đội chính phủ Yemen đã tiến sâu vào các quận Bayhan và Ousylan do Houthi kiểm soát, đánh bật các tay súng Houthi ra khỏi các khu vực rộng lớn và giành quyền kiểm soát con đường chiến lược nối hai quận này.
Theo quan chức này, ít nhất 60 tay súng của Houthi đã bị tiêu diệt trong các cuộc giao tranh và quân đội chính phủ đang đẩy nhanh các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng này ở hai quận Bayhan và Ousylan.
Quan chức trên cho biết thêm ít nhất 35 tay súng Houthi đã bị tiêu diệt trong các cuộc giao tranh dữ dội với quân đội chính phủ ở khu vực Tây và Nam thành phố Marib giữa lúc các máy bay chiến đấu của Liên quân Arab tiến hành nhiều đợt oanh kích.
Các cuộc đụng độ ác liệt nhất đã diễn ra ở Al-Amud và Abu Resh, nơi quân chính phủ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Houthi.
Cuộc nội chiến tại Yemen đã kéo dài từ năm 2014 khiến quốc gia Trung Đông này rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Hơn 80% người dân Yemen hiện phải sống dựa vào cứu trợ nhân đạo .
Liên hợp quốc cảnh báo tính đến cuối năm 2021, số người thiệt mạng trực tiếp và gián tiếp trong cuộc nội chiến trên sẽ lên tới khoảng 377.000 người.