Phát biểu với hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh tin tưởng và hy vọng, hoạt động này sẽ cung cấp nhiều tư liệu quý về những vấn đề lớn tại mảnh đất Hồng Lĩnh nhiều huyền thoại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Cảm ơn các học giả, các nhà nghiên cứu đã có nhiều đóng góp cho quá trình nghiên cứu về lịch sử mảnh đất và con người Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thông qua hội thảo, Hồng Lĩnh sẽ có thêm sức mạnh mới để đoàn kết, xây dựng thị xã thành trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh, đạt đô thị loại 3 vào năm 2020.
Trong đề dẫn hội thảo, Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Xuân Thập nêu rõ mục đích làm rõ hơn những vấn đề về huyền sử, lịch sử đương đại của vùng đất Hồng Lĩnh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung, của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.
Trên cơ sở tổng hợp và phân tích, báo cáo đã khái quát 2 vấn đề chính mà các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu: tìm hiểu về Hồng Lĩnh thời huyền sử, gắn với mối quan hệ giữa Kinh Dương Vương với thời đại Hùng Vương và vấn đề Việt Thường; khái quát quá trình lịch sử, văn hóa, quá trình phát triển của mảnh đất Hồng Lĩnh.
Trong tham luận “Hồng Lĩnh, thời tiền sử đến lịch sử”, PGS.TS. Hoàng Văn Khoán (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khái quát những kết quả thu được sau những khai quật trước đây.
PGS.TS khẳng định “Dưới chân núi Hồng Lĩnh con người đến sinh sống từ hậu kỳ đồ đá mới thuộc hệ thống văn hóa Bàu Tró cách đây 5.000 năm, rồi kế tiếp các thời, phát triển giao lưu cho đến thời Trần – một thời đại lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Cùng nằm sự phân tích từ các kết quả khảo cổ, PGS.TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học) đã phân tích những bằng chứng khoa học từ mộ thuyền Đông Sơn được tìm thấy tại Hồng Lĩnh. Điều đó cho thấy, thời kỳ đó, vùng đất này đã có cư dân sinh sống và đã có làng xóm.
Tiếp cận từ góc độ thư tịch, TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện trưởng Viện Sử học) đã tìm ra những chứng cứ ghi chép về Việt Thường – Việt Thường thị trong 12 thư tịch cổ Trung Quốc.
TS Nguyễn Hữu Tâm nêu lên một số nhận xét: thời cổ đại từng tồn tại một quốc gia có tên là Việt Thường; nước Việt Thường Thị chủ động xây dựng mối quan hệ hòa hiếu với phương Bắc; vị trí nước Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ. Tuy nhiên, vấn đề xác định vị trí cụ thể của nước Việt Thường Thị đang là tranh luận trong giới nghiên cứu Trung Quốc.
Cùng trong một góc độ tiếp cận, GS.TS Trương Sĩ Hùng (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) khẳng định, Việt Thường là một bộ trong 15 bộ của nước Văn Lang; Hà Tĩnh cũng như các tỉnh miền Trung là nơi đón nhận địa danh Việt Thường do người Việt thu hẹp và mang về, cắm mốc son lịch sử trong khoảng từ nửa sau thế kỷ III tr.CN đến trước thế kỷ X.
Về vấn đề Việt Thường/Việt Thường thị, hội thảo đã có 10 tham luận tập trung nghiên cứu về vấn đề này, dựa trên các góc độ khác nhau. Tuy nhiên, các tranh luận về vấn đề này vẫn chưa dừng lại.
Với 24 tham luận, hội thảo đã cung cấp nhiều cứ liệu rất quan trọng, liên quan không chỉ đến mảnh đất Hồng Lĩnh mà còn của Hà Tĩnh, của dân tộc Việt Nam nói chung.