Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 1/9 thông báo Sri Lanka sẽ được hỗ trợ 2,9 tỷ USD kèm theo điều kiện để giải quyết các vấn đề tài chính nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
Trong thông báo đưa ra sau 9 ngày đàm phán tại thủ đô Colombo, IMF nhấn mạnh Sri Lanka đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó những người nghèo và dễ bị tổn thương là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Thỏa thuận cấp chuyên viên nói trên cần được ban lãnh đạo IMF phê chuẩn, với điều kiện Chính phủ Sri Lanka đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ nhằm tái cấu trúc các khoản vay.
Tuy nhiên, trưởng nhóm làm việc của IMF, ông Peter Breuer cho rằng các chủ nợ cũng cần giúp Sri Lanka thoát khỏi khủng hoảng và trở lại thanh toán các khoản nợ.
Phát biểu với báo giới, ông Breuer nói: “Thực tế là việc phối hợp với Sri Lanka có lợi cho tất cả các chủ nợ. Nếu các chủ nợ không sẵn lòng cung cấp các hỗ trợ thì cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka chỉ càng sâu sắc hơn và sẽ hủy hoại khả năng trả nợ của nước này.”
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực , nhiên liệu và thuốc men, những đợt cắt điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi không còn ngoại tệ để nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu nhất.
Quốc gia Nam Á này đã không trả được khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD và những cuộc biểu tình lớn trong tháng 7 vừa qua khiến Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải rời khỏi đất nước và tuyên bố từ chức.
Ông Breuer không nêu rõ khi nào IMF sẽ giải ngân, song nhấn mạnh rằng nhu cầu của Sri Lanka là “khẩn cấp” và cần được giải quyết ngay lập tức. Ông nói thêm rằng tài chính của IMF không đủ để giải quyết các vấn đề kinh tế mang tính cấu trúc của Sri Lanka và “cần các nguồn bổ sung từ các đối tác đa phương.”
Gói hỗ trợ 2,9 tỷ USD trong 4 năm của IMF chưa đạt mức 3-4 tỷ USD mà Sri Lanka cần có hiện nay. Ngân hàng trung ương Sri Lanka dự báo kinh tế nước này sẽ ghi nhận mức giảm kỷ lục 8% trong năm nay, trong khi IMF dự báo mức giảm 8,7%.
IMF cho biết Sri Lanka đã đồng ý tăng thu nhập, bãi bỏ các loại trợ cấp, đảm bảo tỷ giá hối đoái linh hoạt và tái thiết kho dự trữ ngoại tệ.
Tổng thống Ranil Wickremesinghe lên nắm quyền sau khi người tiền nhiệm rời khỏi đất nước đã thông báo tăng thuế và một số cải cách mạnh tay trong nỗ lực kiểm soát nợ.
Chính phủ của ông Wickremesinghe cũng đã tăng giá nhiên liệu và giá điện gấp hơn 3 lần và bỏ các khoản trợ cấp năng lượng, một trong các điều kiện tiên quyết để nhận được hỗ trợ của IMF.
Trước đó, chính phủ của ông Rajapaksa bị chỉ trích giảm thuế một cách không bền vững, làm tăng nợ công và khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng.