IMF nhận định về những nguy cơ khi kinh tế Afghanistan sụp đổ

IMF cho biết với việc viện trợ phi nhân đạo bị tạm dừng và phần lớn tài sản nước ngoài bị đóng băng, kinh tế Afghanistan sẽ "đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và cán cân thanh toán nghiêm trọng."

IMF nhận định về những nguy cơ khi kinh tế Afghanistan sụp đổ

Người dân tập trung tại hiện trường vụ nổ tại Thánh đường Hồi giáo ở thành phố Kandahar, Afghanistan. (Ảnh: AA/TTXVN)

Do những bất ổn về chính trị và an ninh, kinh tế Afghanistan được dự báo suy giảm tới 30% trong năm 2021 và điều này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng người tị nạn nước này tìm cách đến các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 19/10 đã đưa ra nhận định trên trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực.

IMF cho biết với việc viện trợ phi nhân đạo bị tạm dừng và phần lớn tài sản nước ngoài bị đóng băng sau khi Taliban nắm chính quyền vào tháng Tám, nền kinh tế vốn phụ thuộc vào viện trợ này “đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và cán cân thanh toán nghiêm trọng.”

Theo IMF, điều này sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân và đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, có thể “châm ngòi” cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Báo cáo của IMF chỉ rõ rằng tình hình hỗn loạn ở Afghanistan có thể sẽ tác động đến kinh tế và an ninh khu vực và nghiêm trọng hơn “thúc đẩy sự gia tăng người tị nạn.”

Điều này có thể gây ra gánh nặng cho các nguồn lực công cộng ở các nước tiếp nhận, gia tăng sức ép thị trường lao động và dẫn tới căng thẳng xã hội, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Lấy ví dụ, có thêm 1 triệu người Afghanistan đi ti nạn ở các quốc gia láng giềng, chi phí hàng năm để tiếp nhận họ sẽ lên tới 100 triệu USD ở Tajikistan, tương ứng 1,3% GDP của nước này, khoảng 300 triệu USD ở Iran (0,03% GDP) và 500 triệu USD ở Pakistan (0,2% GDP).

Trong tháng Chín, Tajikistan cho biết nếu không có sự hỗ trợ tài chính, nước này không đủ khả năng để tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn, trong khi các quốc gia Trung Á khác cũng thông báo không có kế hoạch tiếp nhận người tị nạn.

Theo IMF, kinh tế Afghanistan khó khăn có thể ảnh hưởng đến các nước láng giềng trong lĩnh vực thương mại khi lâu nay xuất khẩu hàng hóa sang Afghanistan có liên quan đến Iran, Pakistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

IMF bày tỏ lo ngại việc trao đổi hàng hóa của Afghanistan hiện nay có thể làm gia tăng quan ngại về rửa tiền và tài trợ khủng bố .

Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan ngày 15/8, đất nước vốn đang vật lộn với hạn hán và nghèo đói nghiêm trọng sau nhiều thập kỷ chiến tranh này đã chứng kiến nền kinh tế đứng bên bờ vực sụp đổ.

Các nước châu Âu đều lo ngại nguy cơ người tị nạn Afghanistan tìm cách đến EU, như cuộc khủng hoảng người di cư Syria năm 2015.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.