Israel tạo cục diện mới ở Trung Đông

Vụ tấn công chính xác do Lực lượng Không quân Israel (IAF) thực hiện nhằm tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah vào ngày 27-9 có mã hiệu 'Seder Hadash', nghĩa là 'Trật tự mới' theo tiếng Do Thái.

Tấm bảng in hình cố lãnh tụ Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah ở thủ đô Tehran (Iran) hôm 29-9 - Ảnh: REUTERS
Tấm bảng in hình cố lãnh tụ Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah ở thủ đô Tehran (Iran) hôm 29-9 - Ảnh: REUTERS

Diễn ra ngay sau thời điểm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu về chiến dịch chống lại Hezbollah của Israel trước khóa họp lần 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA), cuộc không kích ngày 27-9 được cho là thành quả của một chiến dịch tình báo tần suất cao kéo dài trong nhiều tháng của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Tìm diệt các lãnh đạo hiếu chiến

Điều này cho thấy rõ lập trường quyết đoán của Israel nhằm phá thế bao vây trong khuôn khổ Đại kế hoạch đến 2040 của "Trục kháng chiến" do Iran điều phối nhằm phong tỏa Tel Aviv, bất chấp phản ứng của dư luận quốc tế.

Kể từ thời điểm Đơn vị tình báo tín hiệu 8200 của IDF được ghi nhận có tham gia vụ ám sát tướng Qassem Soleimani của Lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) vào tháng 1-2020, dư luận khu vực bắt đầu nhận diện được các nỗ lực tình báo phức hợp giữa quân đội với lực lượng Mossad trực thuộc phủ thủ tướng Israel. Các nỗ lực này đã thúc đẩy cao điểm của chuỗi hoạt động tìm và diệt các lãnh đạo chính trị có xu hướng hiếu chiến lẫn các chỉ huy quân sự dày dặn nhằm kiến tạo "khoảng trống thứ nhất" - sự suy giảm năng lực lãnh đạo ở các cấp cao nhất của Trục kháng chiến.

Chỉ trong khoảng thời gian cuối tháng 7-2024, IDF đã tiến hành tấn công cả ba khu vực từ Gaza đến thủ đô Beirut (Lebanon) và thủ đô Tehran (Iran) để tiêu diệt một loạt các lãnh đạo chính trị và quân sự ở cấp cao nhất có lập trường chủ chiến của cả ba phía Hamas, Hezbollah lẫn Iran.

Đến giữa tháng 9-2024, trong bối cảnh phía Hezbollah đang rối loạn hệ thống thông tin sau chuỗi vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm từ ngày 17 đến 18-9, phía IAF đã thực hiện không kích chính xác vào ngày 20-9 tiêu diệt chỉ huy cấp cao Ibrahim Aqil (cùng hơn 10 thủ lĩnh quân sự khác) của Hezbollah đảm nhiệm giám sát kế hoạch Galilee mà Hezbollah đang chuẩn bị nhằm tấn công tổng lực lãnh thổ phía bắc Israel.

Và trong vụ không kích ngày 27-9, phía Hezbollah cũng xác nhận thêm sự mất mát đối với chỉ huy mặt trận phía Nam Ali Karaki, chỉ huy cơ quan tình báo Hassan Khalil Yassin của tổ chức này, cùng với phó chỉ huy IRGC Abbas Nilforoushan của Iran và nhiều lãnh đạo các cấp khác, khoét sâu tối đa "khoảng trống thứ nhất".

Cùng lúc đó, phía Israel cũng nỗ lực kiến tạo "khoảng trống thứ hai" bằng một chuỗi cuộc tấn công vào nhóm hạ tầng quân sự chiến lược của Hezbollah, bao gồm các hệ thống phòng không, kho dự trữ khí tài tấn công tầm xa, hệ thống hầm hào ẩn nấp và mạng lưới vận tải vũ khí viện trợ từ Iran. Chỉ trong một tuần cuối tháng 9-2024, IAF công bố đã thả hơn 3.500 quả bom xuống các cứ điểm quân sự do Hezbollah kiểm soát, vô hiệu hóa nhiều tên lửa, rocket và máy bay không người lái của tổ chức này cùng với các cơ quan tình báo.

Định hình "trật tự Trung Đông mới"

Và cuối cùng là nỗ lực của phía Israel làm suy giảm năng lực kinh tế và dự trữ tài chính của Hezbollah thông qua các hoạt động phá hoại nền kinh tế của quốc gia chủ quản Lebanon, kiến tạo "khoảng trống thứ ba".

Bộ Môi trường và Nông nghiệp Lebanon đang lập hồ sơ đệ trình các hành động "diệt chủng sinh thái" của IDF lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi IDF bị cáo buộc đã pháo kích và sử dụng đạn chứa phốt pho trắng thiêu rụi khoảng 40.000 cây ô liu và thiêu rụi hàng trăm km2 đất trồng, gây ra ảnh hưởng tận diệt nghiêm trọng cho một loại cây trồng chính của Lebanon.

Số liệu này còn đi kèm với các cuộc tấn công đã gây thiệt hại 1,5 tỉ USD và phá hủy khoảng 1.700 tòa nhà (theo ước tính của Chính phủ Lebanon), thực sự tác động rất lớn đến nền kinh tế của một quốc gia có tỉ lệ nợ công trên GDP lên đến con số kỷ lục 283% như Lebanon (theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế). Các cuộc không kích từ giữa tháng 9-2024 của IAF đã khiến 1.030 người chết và 6.352 người bị thương, theo số liệu từ Chính phủ Lebanon.

Ngay trong bài phát biểu về vụ không kích ngày 27-9, Thủ tướng Israel Netanyahu đã nhấn mạnh lập trường sẵn sàng hành động "đến bất kỳ đâu" nhằm đảm bảo sự răn đe tối đa các hoạt động tấn công thường dân Israel lẫn trung tâm kinh tế - công nghệ của nhà nước Do Thái này. Do đó, động thái triển khai tên lửa lần đầu tiên bắn vào Tel Aviv ngày 25-9, thậm chí vào Jerusalem ngày 28-9 chắc chắn sẽ chỉ thúc đẩy IDF tiếp tục triển khai không kích quy mô lớn kết hợp hoạt động tấn công có giới hạn trên bộ vào Lebanon.

Tuy nhiên, với ba "khoảng trống" mà IDF đã kiến tạo hiệu quả, có thể thấy chính quyền Thủ tướng Israel Netanyahu đang thành công khống chế được Đại kế hoạch phong tỏa Israel của Trục kháng chiến, trong đó Hezbollah được xem là mắt xích có năng lực hùng hậu nhất của Iran hiện đã bị tổn thất nặng nề.

Do đó, "cục diện mới" ở khu vực đang dần định hình theo các thỏa thuận đình chiến có lợi cho phía Israel, đặc biệt đối với khả năng điều hướng dư luận ra khỏi các diễn biến chiến sự tổng lực trên thực địa ở Dải Gaza lẫn khu vực Bờ Tây của Palestine đang diễn ra từ giữa tháng 9-2024.

Gia tăng không kích

Theo báoTimes of Israel, IAF xác nhận gia tăng tần suất không kích lên đến 140 lượt vào hai ngày 27 và 28-9 để phá hủy các cơ sở lắp ráp tên lửa của Hezbollah ở miền nam Lebanon và thung lũng Beqaa giáp ranh biên giới Syria.

Phía Israel thậm chí phong tỏa cả tám cửa khẩu đường bộ từ Syria, Iraq đến Lebanon cũng như các tuyến hàng không từ Iran đến sân bay quốc tế Beirut có dấu hiệu vận chuyển vũ khí viện trợ cho Hezbollah vào sáng 29-9.

tuoitre.vn

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.