Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 27/9, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD) công bố báo cáo cho biết, tổng số người mất an ninh lương thực ở Đông và Trung Phi đã lên tới 82,2 triệu người, trong đó phần lớn sống ở khu vực IGAD, với 54,7 triệu người ở Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia.
Hai cơ quan trên nhấn mạnh: "Xung đột vẫn là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng lương thực ở Đông Phi, với khoảng 39 triệu người trên khắp khu vực IGAD phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Xung đột đã dẫn đến sự phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng, các nguồn lương thực và thu nhập chính, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực vốn đã rất tồi tệ".
Tình trạng mất an ninh lương thực trong khu vực cũng trở nên tồi tệ hơn do các cú sốc và mối đe dọa về khí hậu. Các tổ chức nhận thấy thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu dẫn tới thiên tai như lũ lụt và hạn hán, hiện đang diễn ra trầm trọng và thường xuyên hơn, đã trở thành nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực.
Theo báo cáo, các quốc gia thành viên IGAD, bao gồm: Ethiopia, Eritrea, Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda, là nơi sinh sống của hơn 29 triệu người phải di dời, chủ yếu đến từ Sudan, do cả xung đột và rủi ro liên quan đến khí hậu.
Báo cáo lưu ý tình hình an ninh lương thực có thể xấu đi vì dự kiến lượng mưa của khu vực này dưới mức trung bình trong các tháng 10 đến tháng 12.
Theo Trung tâm Dự báo và Ứng dụng khí hậu của IGAD, hiện tượng thời tiết La Nina dẫn đến tình trạng hạn hán ở phía đông vùng Sừng châu Phi, có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối năm nay và kéo dài đến đầu năm 2025.