Dựa trên các tàu ngầm lớp November (Project 627), K-27 là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Project 645 được Liên bang Xô viết chế tạo.
Cũng như các cường quốc khác, Liên Xô thường thử nghiệm những công nghệ tiên tiến, đi trước thời đại vào trong lĩnh vực quân sự. Thật vậy, K-27 là một dự án đầu tiên ứng dụng hai lò phản ứng hạt nhân được làm mát bằng kim loại VT-1dạng lỏng.
Khi K-27 lần đầu hạ thủy vào ngày 15/6/1958, đây là chiếc tàu ngầm đầu tiên của Liên Xô được thiết kế với một cặp lò phản ứng được làm mát bằng chất bismut mới lạ.
K-27 sẽ là thảm họa môi trường nếu phóng xạ rò gỉ ra từ chiếc tàu ngầm này |
Mặc dù lò phản ứng mới nhỏ hơn nhưng mạnh hơn nhiều những lò phản ứng làm mát bằng áp lực nước thông thường. K-27 nhanh chóng đạt được kỷ lục ấn tượng khi là chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Nga lặn liên tiếp trong 50 ngày.
Dù rất ấn tượng, nhưng tuổi đời phục vụ của K-27 là rất ngắn. Vào ngày 24 tháng 5 năm 1968, K-27 gặp sự cố khi năng lượng của một trong những lò phản ứng VT-1 đột ngột giảm từ 87% xuống còn 7%.
Sức mạnh giảm đi kèm với đó là sự gia tăng khối lượng bức xạ gamma trong khoang lò phản ứng. Ngoài ra, khí thoát ra từ các lò phản ứng cũng lan ra khắp các khoang khác.
“Chúng tôi có một máy phát hiện bức xạ trong khoang, nhưng nó đã bị tắt đi. Thành thật mà nói, chúng tôi đã không quan tâm nhiều đến các thiết bị đo phóng xạ được cung cấp. Nhưng sau đó, người giám sát đã bật máy dò trong khoang và nó đã không hoạt động. Ông ấy trông rất ngạc nhiên và lo lắng”, ông Vyacheslav Mazurenko nói với BBC sau 22 năm kể từ ngày sự cố trên.
Thủy thủ đoàn đã không hiểu hết mức độ của vấn đề xảy ra với lò phản ứng cho đến khi quá muộn. Hai giờ sau khi báo động, các thủy thủ cần phải được đưa ra ngoài nếu không muốn bị nhiễm xạ.
Tuy nhiên, thủy thủ đoàn phải mất hơn 5 giờ xoay sở để quay trở lại được cảng Ostrovnoy trên bán đảo Kola của Nga.
K-27 bị nhấn chìm sâu 30m tại biển Kara vào ngày 6/9/1982 |
Mazurenko kể lại: “Khi tàu ngầm tới bến tàu, chúng tôi nhận được lệnh tắt động cơ và chờ đợi các hướng dẫn đặc biệt. Tuy nhiên, thuyền trưởng Pavel Leonov quyết định tiếp tục, bởi vì nếu dừng lại trong vài giờ thì không ai có thể sống sót”.
Tất cả 144 thành viên thủy thủ đoàn đã bị phơi nhiễm phóng xạ, trong đó 9 người chết vì bị ngộ độc phóng xạ. K-27 bị tạm dừng hoạt động ngay sau đó vào tháng 6/1968, mặc dù Liên Xô vẫn tiếp tục thực hiện nhiều thí nghiệm khác nhau trên tàu cho đến năm 1973.
Cuối cùng, mọi hoạt động trên K-27 chấm dứt hoàn toàn vào tháng 2/1979 và tàu bị nhấn chìm sâu 30m tại biển Kara vào ngày 6/9/1982.
Đến này, nhiều nhà khoa học môi trường vẫn cho rằng đây là một sự cố rất nghiêm trọng và tin rằng tàu cần phải được trục vớt và xử lý đúng cách.
“Rò rỉ phóng xạ sẽ sớm hay muộn nếu chúng ta chỉ để K-27 ở đó. Con tàu đã ở dưới đáy biển trong suốt 30 năm, và nó đã bị rò gỉ trước khi nó bị đánh chìm”, Thomas Nilsen, cựu thành viên của tổ chức Bellona nói với RT vào năm 2012.
“Ngày nay, thách thức của chúng ta là tìm cách trục vớt K-27 mà không làm rung động các lò phản ứng, nếu không một loạt các phản ứng dây chuyền không thể kiểm soát được sẽ bắt đầu. Nếu điều đó xảy ra, một lượng lớn phóng xạ có thể rò rỉ ra Bắc cực”.