Khai thác tài nguyên trái phép - vấn nạn cần sớm dẹp bỏ (bài 2): Vì đâu liên tục tái diễn vi phạm?

(Baohatinh.vn) - Một trong những lý do khiến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Hà Tĩnh vẫn diễn biến phức tạp đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp xã trong việc ngăn chặn...

Với sự vào cuộc quyết liệt, tập trung, đồng bộ của lực lượng chức năng, hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) trái phép trên địa bàn Hà Tĩnh từng bước được ngăn chặn. Tuy nhiên, nguy cơ tái diễn vấn nạn này luôn hiện hữu, bởi nhu cầu về vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao. Tình hình phức tạp của vấn nạn KTKS trái phép diễn ra ở nhiều địa phương những tháng đầu năm 2021 là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Việc để các đối tượng vận chuyển đất từ công trình xây dựng nhà văn thôn 12, xã Hà Linh, huyện Hương Khê bán cho dự án ở TP Hà Tĩnh xuất phát từ sự buông lỏng quản lý của UBND xã Hà Linh và thôn 12.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, một trong những lý do khiến tình trạng KTKS trái phép vẫn diễn biến phức tạp đó là sự buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết của chính quyền cấp xã trong việc ngăn chặn. Thậm chí, một số xã còn tự ý cho các tổ chức, cá nhân vào KTKS trái phép trên địa bàn nhằm thu lợi bất chính.

2 vụ việc khai thác đất trái phép tại diện tích đất của ông Hoàng Văn Trung ở thôn Đất Đỏ (xã Thường Nga, Can Lộc) và thôn 12 (xã Hà Linh, Hương Khê) vào đầu năm 2021 là minh chứng cho việc buông lỏng quản lý của chính quyền cấp xã.

Trước khi bị Công an huyện và Phòng TN&MT huyện Hương Khê phát hiện, lập biên bản xử lý đã có một số lượng lớn đất bị vận chuyển ra ngoài thôn 12, xã Hà Linh.

Trong thời gian qua, đã có nhiều lãnh đạo, cán bộ cấp xã bị kỷ luật do có sai phạm liên quan tới công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, nhất là để xảy ra tình trạng KTKS trái phép. Cụ thể, năm 2015, UBND huyện Thạch Hà tổ chức kiểm điểm và phê bình chủ tịch UBND xã, công chức địa chính các xã Thạch Đỉnh (nay là Đỉnh Bàn), Thạch Lạc. Năm 2018, UBND huyện Can Lộc kỷ luật cách chức đối với Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc; UBND huyện Hương Khê đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND xã Hà Linh…

Chính quyền xã Lộc Yên và đơn vị chức năng huyện Hương Khê phá bỏ tuyến đường mà nhóm “cát tặc” tạo nên để khai thác cát trái phép giữa lòng sông Ngàn Sâu vào tháng 5/2020.

Đại diện Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh cho rằng, bên cạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm thì cũng cần giao cho cấp xã chịu trách nhiệm về việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép nhiều thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Ngày 28/3/2021, Phòng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Hương Khê, Phòng TN&MT huyện và chính quyền xã Hà Linh phát hiện khu vực vườn phía sau nhà ông Ngô Đăng Hiệu (thôn 1, xã Hà Linh) đang tập kết khoảng 88 m3 cát nhưng không có giấy tờ hợp pháp.

“UBND xã là chủ thể rất quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Thực tế đã chứng minh, những địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, có trách nhiệm cao trong công tác quản lý thì ở những nơi đó ít xảy ra các vụ việc KTKS trái phép, còn nơi nào buông lỏng, thiếu quyết liệt thì nơi đó vấn nạn này diễn ra khá phức tạp” - Đại diện Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh thông tin thêm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đình Việt - Trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc cho hay, phần lớn các vụ việc khai thác đất trái phép xảy ra thời gian qua trên địa bàn là do người ở địa phương đứng ra móc nối với một số đối tượng khác để thực hiện. Chính quyền cấp xã dù nắm được điều này nhưng lại thiếu biện pháp ngăn chặn.

Trong những năm qua, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng KTKS trái phép trên địa bàn, đặc biệt là nạn khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT, Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và chính quyền cấp huyện, xã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ, quản lý tài nguyên.

Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra khá phức tạp trên các tuyến sông ở Hà Tĩnh (ảnh trái). Ảnh chụp vụ khai thác đất trái trái pháp luật ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê hồi tháng 1/2021 (ảnh phải).

Với việc thành lập tổ liên ngành và các tổ công tác đặc biệt, trong những năm qua, số vụ vi phạm, số đối tượng bị xử lý rất lớn. Cụ thể, trong năm 2019, lực lượng chức năng cấp tỉnh bắt giữ, xử lý gần 500 vụ, 600 đối tượng khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép, xử phạt hành chính số tiền 2,5 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh kiểm tra, phát hiện hàng loạt vụ việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, xử lý vi phạm hành chính số tiền gần 2 tỷ đồng.

Năm 2020, số vụ vi phạm dù có giảm hơn nhưng lực lượng chức năng cấp tỉnh cũng đã phát hiện 167 vụ khai thác trái phép, xử lý 150 vụ, 185 đối tượng và xử phạt 317,8 triệu đồng. Cùng đó, các địa phương tiến hành xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực khoáng sản 1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để phát hiện, xử lý vấn nạn này không hề đơn giản. Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT Lê Tài Tuấn cho biết: Các đối tượng KTKS trái phép, nhất là khai thác cát ngày càng có nhiều “chiêu trò” đối phó với lực lượng chức năng, như thường lựa chọn vào thời điểm ban đêm, ở những khu vực giáp ranh giữa các huyện và với tỉnh Nghệ An, khi bị phát hiện thì không hợp tác, thậm chí còn manh động chống trả, do vậy, công tác kiểm tra, đẩy đuổi và xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Cần sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương trong ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Trong ảnh: UBND xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) lập biên bản xử lý đối với ông Nguyễn Văn Bẩy (áo đen ở giữa) chủ xà lan khai thác cát trái phép ở khu bãi bồi thôn 1, Xuân Hồng.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cũng như phương tiện, công cụ của ngành chức năng chưa được đáp ứng đầy đủ nên công tác kiểm tra chưa thường xuyên, khó khăn trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản. “Hầu hết bến bãi neo đậu tàu thuyền trên địa bàn tỉnh là của tư nhân, không có bến bãi nào do Nhà nước quản lý nên mỗi khi bắt được tàu thuyền hút cát trái phép, các đơn vị đều phải thuê bến bãi để neo đậu. Ngoài ra, trình tự, thủ tục xử lý một vụ việc KTKS trái phép cũng mất khá nhiều thời gian, khung xử phạt còn nhẹ” - Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh thông tin thêm.

thiết kế: huy tùng

(Còn nữa)

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói