Nhiều tháng nay, công nhân các dây chuyền sản xuất chỉ làm từ 20 - 22 ngày công/tháng.
Trong những tháng gần đây, chị Trần Thị Trang - công nhân bộ phận tiếp nhận nguyên liệu của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh (Khu kinh tế Vũng Áng) chỉ đi làm khoảng 20 - 22 ngày công/tháng. Dây chuyền sản xuất tại bộ phận chị Trang đang làm việc cũng không thể hoạt động hết công suất như trước.
Chị Trang cho biết: “Bình thường nếu làm đủ 26 ngày công/tháng thì thu nhập của tôi đạt hơn 5 triệu đồng nhưng nay khối lượng công việc giảm, chúng tôi phải nghỉ làm nhiều, thu nhập cũng vì thế mà giảm theo. Do vậy, cuộc sống của gia đình trở nên eo hẹp hơn, phải cố gắng chắt bóp mới trang trải đủ chi phí hàng ngày”.
Đây cũng là tình trạng chung của gần 200 công nhân đang làm việc tại công ty từ tháng 2/2023 đến nay.
Khan hiếm nguồn nguyên liệu khiến hoạt động của các dây chuyền bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm đơn hàng và khan hiếm nguồn nguyên liệu sản xuất.
Tình trạng lạm phát khiến người dân Nhật Bản phải thắt chặt chi tiêu, đơn hàng tại thị trường truyền thống này đã giảm 30% so với cùng kỳ. Thị trường châu Âu yêu cầu các tiêu chuẩn đánh bắt rất khắt khe nhưng nguyên liệu khai thác trong nước hiện không đáp ứng được. Trong khi đó, nguồn cung từ Indonesia khan hiếm, giá cả lại tăng cao chóng mặt do việc đánh bắt ở đất nước này cũng đang không thuận lợi”.
Đầu ra tại một số thị trường truyền thống cũng đang sụt giảm do nhiều lý do khách quan dẫn tới sản phẩm khó tiêu thụ.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, sụt giảm đơn hàng đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Từ 200 tỷ đồng chỉ tiêu doanh thu được đặt ra đầu năm, công ty đã phải giảm chỉ tiêu này xuống còn 150 tỷ đồng. Thời điểm này, đã gần giữa năm nhưng sản lượng của công ty cũng chỉ mới đạt 30% kế hoạch của cả năm. Một số công nhân nghỉ việc nhưng công ty chưa có kế hoạch tuyển mới bổ sung.
“Căn cứ vào một số điều kiện thực tế và phân tích biến động thị trường trong nước cũng như quốc tế thì dự báo đến tháng 8/2023, ngành thủy sản mới đỡ khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh mới có thể ổn định trở lại” - ông Nguyễn Hùng Cường nhận định.
Đoàn công tác LĐLĐ tỉnh nắm bắt tình hình lao động, việc làm tại công ty.
Sản xuất, kinh doanh gặp khó ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập và tâm lý của công nhân. Tổ chức công đoàn đã kịp thời vào cuộc, động viên người lao động, đồng thời, phối hợp triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân, ổn định hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “BCH Công đoàn thường xuyên tham mưu, phối hợp lãnh đạo công ty kết nối đơn hàng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu để cung ứng cho dây chuyền sản xuất. Dù khó khăn nhưng công nhân vẫn được thanh toán lương, các khoản phúc lợi và đóng bảo hiểm đầy đủ. Trong Tháng Công nhân năm nay, công đoàn cũng triển khai nhiều hoạt động hướng đến người lao động như: khám sức khỏe, huấn luyện ATVSLĐ; tặng quà lao động khó khăn; quyên góp 90 triệu đồng hỗ trợ một số công nhân bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông...”.
Công đoàn công ty tổ chức khám sức khỏe cho người lao động.
Có thời gian làm việc 15 năm tại công ty, chị Trịnh Thị Huyền - công nhân bộ phận sơ chế chia sẻ: “Gắn bó đã lâu nên tôi đã được chứng kiến nhiều thăng trầm của đơn vị. Đây là giai đoạn khó khăn của ngành thủy sản trong nước nói chung, công ty nói riêng nên chúng tôi hết sức chia sẻ với lãnh đạo. Tôi cũng động viên đồng nghiệp, đặc biệt là những công nhân mới vào làm cố gắng, đồng hành cùng công ty vượt qua thời điểm khó khăn này”.
Với sự chia sẻ của người lao động, sự đồng hành của tổ chức công đoàn, hy vọng Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển bền vững.