Khoa học và công nghệ tạo động lực phát triển sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới công nghệ, đưa các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển KT-XH.

Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tại Hà Tĩnh luôn dành sự “ưu ái” đặc biệt cho lĩnh vực khoa học nông nghiệp.

Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tại Hà Tĩnh luôn dành sự “ưu ái” đặc biệt cho lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Các đề tài, dự án trong lĩnh vực này chủ yếu nghiên cứu, chuyển giao các giống cây trồng, quy trình công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững. Đặc biệt, hầu hết các đề tài, dự án đều được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, cho thấy nhiệm vụ KH&CN ngày càng sâu sát nhu cầu thực tế của Nhân dân.

Trung tâm dụng tiến bộ KH&CN đã xây dựng thành công mô hình sản xuất cà chua trái vụ với 2 giống cà chua vô hạn Monaco và Bisocola tại Hà Tĩnh.

Đơn cử, sau 2 năm (2020-2021) nghiên cứu, dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất cà chua trái vụ đã thành công với 2 giống cà chua vô hạn Monaco và Bisocola trên diện tích 1.000 m2 tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh. Anh Nguyễn Cao Cường - Chủ nhiệm dự án chia sẻ: “Những kết quả ban đầu cho thấy, các giống cà chua mới khá phù hợp với điều kiện tự nhiên Hà Tĩnh và cho thu nhập cao. Kết quả 2 vụ sản xuất thử nghiệm tại trung tâm, sản lượng đạt 9,5 tấn quả, lợi nhuận gần 43 triệu đồng/1.000 m2. Mô hình đang tiếp tục được nhân rộng ra các vùng sản xuất.

Mô hình nhà màng trong sản xuất nông nghiệp đang được ứng dụng rộng rãi tại Hà Tĩnh, được lãnh đạo địa phương đánh giá cao.

Đáng kể hơn, trong số 49 đề tài, dự án được triển khai năm 2020 và 2021 có 11 nhiệm vụ trong lĩnh vực hỗ trợ nhân rộng. Trong đó, dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN nhân rộng mô hình sản xuất dưa lưới, hoa cúc trong nhà màng ở nhiều địa phương. Đây là những mô hình có hàm lượng khoa học cao cả về kết cấu nhà màng, chọn, nhân giống và quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao, ước tính lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/1.000 m2/năm.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Lộc Yên, Hương Khê) cho hay: “Chúng tôi có 2 nhà màng với diện tích 2.000 m2, cho thu nhập 150-170 triệu đồng/năm. Ưu điểm lớn nhất của nhà màng là có thể loại bỏ được 90% yếu tố mùa vụ, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống điều chỉnh khí hậu.

Năm 2022, ngành KH&CN xác định sẽ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, các đề tài trong năm 2020 và 2021 có hàm lượng khoa học cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng tốt trên các lĩnh vực. Cụ thể, có 20/29 đề tài sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống; đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất cho người dân.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN thời gian qua đã bám sát định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn của địa phương. Các đề tài, dự án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên phát triển của Hà Tĩnh như nông nghiệp, nông thôn, KHKT và công nghệ, văn hóa - xã hội, sức khỏe Nhân dân…

Theo Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn, dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới mọi mặt đời sống, để ứng phó với dịch bệnh, các giải pháp về KH&CN đã được áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, dịch bệnh cũng đang tiếp tục đặt ra nhiều yêu cầu cần giải quyết trong thời gian tới. Do đó, KH&CN phải trở thành nhiệm vụ của tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết. Với những đề tài, dự án đã được nghiệm thu, đánh giá, các ngành, đơn vị liên quan cần có giải pháp phối hợp nhân rộng, lan tỏa.

Trong năm 2022, ngành KH&CN xác định sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa vào sản xuất và dịch vụ; du nhập, đổi mới công nghệ nhằm góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, ưu tiên phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống; các nhiệm vụ có khả năng ứng dụng cao, tính lan tỏa lớn; khuyến khích phát triển các loại hình vườn ươm công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói