Bệnh hươu thây ma sinh ra do các protein phát triển sai trong cơ thể hươu, nai. Cuối năm ngoái, các chuyên gia đã xác nhận cá thể hươu nhiễm bệnh đầu tiên ở Công viên Quốc gia Yellowstone. Xác của con hươu được tìm thấy ở khu vực Wyoming cho kết quả dương tính. Vài tuần sau, các ca bệnh tương tự được báo cáo ở hươu, nai sừng và nai sừng tấm trong 33 bang khắp Mỹ, Canada, Na Uy và Hàn Quốc.
Mới đây, một nhóm gồm 68 nhà nghiên cứu xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu căn bệnh này lây lan cho con người. Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết hệ thống y tế chưa có sự chuẩn bị nếu căn bệnh này lây nhiễm ở người.
"Nếu không tính toán được mức độ lây lan, tình hình sẽ rất nghiêm trọng. Chúng ta không có kế hoạch dự phòng, không biết cách theo dõi đường lây của bệnh", ông nói hôm 20/2.
Theo Cơ quan Y tế bang New York, căn bệnh có thể làm tổn thương não, gây ra tình trạng mất nhận thức, suy nhược cơ thể, tiết nhiều nước dãi, cuối cùng là tử vong, tỷ lệ lên đến 100%. Bệnh không có vaccine hay phương pháp điều trị. Ngoài ra, bệnh gần như không thể diệt trừ một khi nó lây truyền trong môi trường.
Một con hươu tại Bắc Mỹ. Ảnh: Pixabay
Theo tổ chức Alliance for Public Wildlife, hiện chưa có trường hợp nào được ghi nhận trong cộng đồng. Dù vậy, các chuyên gia báo cáo con người có thể đã tiêu thụ tới 15.000 con nai sừng tấm bị nhiễm bệnh mỗi năm, do đó nguy cơ lây lan sang người rất cao.
Các nhà dịch tễ học ở Mỹ và Canada cảnh báo việc lây nhiễm chỉ là vấn đề thời gian bởi căn bệnh này là một phần của một loạt các rối loạn thần kinh đã gây tử vong, bao gồm bệnh bò điên. Một đợt bùng phát bệnh bò điên ở Anh vào những năm 1990 đã khiến hơn 4 triệu gia súc bị giết và 178 người nhiễm virus, do ăn thịt bò mang bệnh.