Triển vọng từ những giống ngô lai năng suất cao ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau 6 tháng khảo nghiệm diện rộng, đến nay hơn 60 ha giống ngô lai QT35, QT55, QT68 ở địa bàn các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang (Hà Tĩnh) bước đầu cho thấy năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Triển vọng từ những giống ngô lai năng suất cao ở Hà Tĩnh

Các giống ngô được khảo nghiệm tại Hà Tĩnh.

Nhằm hướng đến đa dạng bộ giống ngô lai phục vụ sản xuất cho người dân, cuối năm 2020, Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh triển khai dự án ứng dụng tiến bộ khoa học xây dựng mô hình sản xuất một số giống ngô lai mới.

Theo đó, dự án sẽ khảo nghiệm diện rộng các giống ngô lai QT35, QT55, QT68 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, các giống ngô này đã được khảo nghiệm lần đầu vào năm 2019 cho thấy phù hợp với điều kiện địa phương và năng suất cao.

Triển vọng từ những giống ngô lai năng suất cao ở Hà Tĩnh

Anh Trần Thanh Hà, thôn 3, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê phấn khởi khi giống ngô mới cho năng suất rất cao.

Là một trong những hộ tham gia dự án, anh Trần Thanh Hà, thôn 3, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê phấn khởi khi sau hơn 6 tháng sản xuất, diện tích ngô của gia đình phát triển tốt và đã cho thu hoạch. Anh Hà chia sẻ, do không bị sâu bệnh gây hại nên ruộng ngô QT 35 của gia đình sinh trưởng tốt, nay đã đến kỳ thu hoạch. Năng suất dự tính là 5 tạ ngô hạt/sào, với hơn 3 sào gieo trồng, chúng tôi sẽ đạt 1,5 tấn ngô hạt.

Mức sản lượng này cao hơn nhiều so với trồng các giống ngô của gia đình gieo trồng các năm trước (3,5 tạ/sào). Với giá bán hiện tại là 750 nghìn đồng/tạ, 1 sào ngô có thể đạt giá trị sản xuất 3,5 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cây lúa và thậm chí cao hơn cả với cây lạc. Trong khi đó, giống ngô mới dễ sản xuất, chi phí thấp. Bên cạnh đó, người dân còn tận dụng lá và tỉa cây phục vụ chăn nuôi.

Triển vọng từ những giống ngô lai năng suất cao ở Hà Tĩnh

Không chỉ lấy hạt, người dân còn tận dụng lá và thân cây ngô làm thức ăn chăn nuôi.

Cũng như anh Hà, đa số bà con nông dân và cán bộ chuyên môn xã Hương Thuỷ đánh giá giống ngô lai mới QT35, QT55 có nhiều ưu điểm vượt trội và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như phương thức canh tác của người dân địa phương.

Ông Phan Khắc Nhạ - Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Hương Thủy cho hay, các giống cây ngô mới sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng chịu thời tiết xấu, kháng được nhiều loại sâu bệnh hại. Đặc biệt, năng suất hạt bình quân các giống QT35, QT55 đạt hơn 8 tấn/ha, cao hơn các giống trước đây mà bà con xã viên sản xuất.

Triển vọng từ những giống ngô lai năng suất cao ở Hà Tĩnh

Năng suất thực tế cây ngô QT 35 có thể đạt 5 tạ/sào.

Thạc sỹ Hoàng Hiệp - Công ty Cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh (chủ nhiệm đề tài) cho biết, dự án được triển khai tại 3 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn trên diện tích 60 ha, thu hút 300 hộ dân tham gia. Các giống ngô QT35, QT55, QT68 có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp trên nhiều loại đất. Đặc biệt, các giống QT35, QT55 qua đánh giá sơ bộ cho thấy cho năng suất hạt rất cao, trung bình khoảng 8 tấn/ha (cao hơn rất nhiều so với các giống bản địa - PV)

Ngoài khảo nghiệm giống, chúng tôi còn hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật sản xuất từ làm đất, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, bón phân, kỹ thuật thu hoạch và bảo quản. Đồng thời, theo dõi phát hiện, dự báo sâu bệnh kịp thời để phòng trừ có hiệu quả theo từng giai đoạn phát triển của cây ngô.

Triển vọng từ những giống ngô lai năng suất cao ở Hà Tĩnh

Lãnh đạo Sở KH&CN kiểm tra tiến độ dự án và đánh giá cao giá trị thực tiễn của đề tài.

“Thời gian tới, công ty sẽ tổ chức hội thảo đánh giá cụ thể, lấy ý kiến người sản xuất và thực hiện các thủ tục cần thiết để đưa những giống mới này vào cơ cấu giống ngô chính ở Hà Tĩnh và hướng tới nhân rộng trong thời gian tới” - Thạc sỹ Hoàng Hiệp thông tin thêm.

Thành công bước đầu của mô hình khảo nghiệm sản xuất các giống ngô lai mới QT35, QT55, QT68 được hi vọng sẽ giúp nông dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế giống ngô bản địa để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast