Nhằm xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ khoai lang phù hợp với điều kiện địa phương, đầu năm 2020, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất khoai lang tại Hà Tĩnh".
Trồng 2 sào khoai lang giống mới, bà Nguyễn Thị Phúc (thôn Trung Vân, xã Xuân Hải) ước thu hơn 2,5 tấn khoai thương phẩm
Trên diện tích 10ha trồng thử nghiệm từ cuối tháng 1/2020, đến nay, người dân trồng khoai lang KL20-209 tại xã Xuân Hải (Nghi Xuân) và Kỳ Hoa (TX. Kỳ Anh) đang tất bật vào vụ thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Phúc, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Trung Vân, xã Xuân Hải phấn khởi chia sẻ: Trồng 2 sào khoai lang giống mới, đến nay gia đình đã bắt đầu thu hoạch; ước tính sản lượng đạt 2,5 tấn, gần gấp đôi so với giống khoai lang chiêm dâu mà người dân địa phương trồng trước đây trên cùng diện tích.
Dù giá bán sỷ tại ruộng khoảng 6 nghìn đồng/kg loại to và 3,5 nghìn đồng/kg loại nhỏ, tức là chưa bằng một nửa so với giá thị trường, song người trồng cũng thu lãi rất lớn. Riêng so với cây lạc thì khoai lang KL20-209 lãi cao hơn 3 lần. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới để mở rộng sản xuất và hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.
Theo tính toán, khoai lang KL20-209 đạt năng suất tối đa khoảng 26 tấn/ha.
Tại xã Kỳ Hoa (TX. Kỳ Anh), mô hình được triển khai trên diện tích 3 ha tại khu Cồn Voi, với 45 hộ dân tham gia. Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Hoa cho hay, khu đất Cồn Voi trước nay bỏ hoang vì bạc màu. Năm 2020, giống khoai lang KL20-209 trồng ở đây cho hiệu quả hơn mong đợi nên người dân rất phấn khởi. Chúng tôi sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm trong vụ thu đông năm 2020 và mở rộng quy mô lên 10 ha trong năm 2021. Đồng thời, đề xuất xây dựng HTX trồng khoai lang để tạo mối liên kết nhằm tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Tại TX. Kỳ Anh, năng suất khoai đạt gần 22 tấn/ha.
Nói về tính mới của dự án, ông Nguyễn Đức Anh - cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ cho hay: “Chúng tôi phải lựa chọn giống khoai mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Hà Tĩnh vừa phù hợp với nhu cầu thị hiếu của thị trường. Ngoài ra, người trồng khoai cũng được tiếp cận các kỹ thuật sản xuất như sử dụng phân bón lá, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… để hướng tới sản phẩm nông nghiệp VietGAP, hữu cơ”.
Đơn vị chủ trì dự án đã xây dựng logo, nhãn hiệu cho sản phẩm khoai lang KL20-209.
Sau hơn 4 tháng triển khai, đến nay, khoai lang KL20-209 đã cho thu hoạch. Qua lấy mẫu đo đếm, năng suất tại huyện Nghi Xuân đạt từ 24 – 26 tấn/ha còn tại TX Kỳ Anh đạt 22 tấn/ha.
Mô hình được nhiều nhà chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực nông nghiệp đánh giá cao.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Huy Trọng cho biết: “Qua đánh giá ban đầu cho thấy, mô hình sản xuất khoai lang KL20-209 đạt hiệu quả cao. Khoai có khả năng sinh trưởng tốt và đạt năng suất từ 21,15 đến 25,11 tấn/ ha, lợi nhuận đạt từ 44 – 70 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn giống chiêm dâu 2,2 triệu đồng/tấn, cao gấp 3 – 5 lần so với lạc (giống L14). Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để có đánh giá khoa học, làm cơ sở để khuyến khích người dân nhân rộng trong thời gian tới”.