Không nghiêm túc cổ phần hóa, sẽ xử lý lãnh đạo

Nhà nước vẫn còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối...

khong nghiem tuc co phan hoa se xu ly lanh dao

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước xác định sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ thị về việc đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó yêu cầu thực hiện có lộ trình một số nhiệm vụ nhằm đổi mới thực sự hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước.

Tháng 2 phải trình hàng loạt đề án

Chỉ thị nêu rõ, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước dù đã đạt được những kết quả nhất định, song nhìn chung tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm. Nhà nước vẫn còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối.

Một số cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ban hành chậm so với kế hoạch đề ra; chưa có quy định nâng cao chất lượng và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi xác định giá trị doanh nghiệp và giá khởi điểm của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa; xử lý đất đai khi cổ phần hóa chưa chặt chẽ, còn bất cập.

Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chưa có hiệu quả; chưa tách được chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý.

Để khắc phục những tồn tại trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó giao Bộ Tài chính trong quý 1/2017 trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các nghị định: 59/2011/NĐ-CP, 189/2013/NĐ-CP, 116/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.

Trong quý 2/2017, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và theo hướng mở rộng thêm các phương thức thoái vốn khác, như: đấu giá thông thường hoặc bán cả lô toàn bộ phần vốn Nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết nhưng không thấp hơn biên độ giá giao dịch tại thời điểm bán; bổ sung quy định về việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn Nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 2/2017 trình Chính phủ đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quý 1/2017, trình cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần. Trong quý 2/2017 nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu trong quý 2/2017, các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước cho phù hợp với các luật mới được ban hành (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp) và yêu cầu thực tiễn đề ra.

Không để thất thoát vốn khi cổ phần hóa

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước xác định sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm của mỗi cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; ban hành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Trong quý 1/2017, xây dựng danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo từng năm (giai đoạn 2017-2020), trong đó có lộ trình xác định giá trị doanh nghiệp cho từng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trình Thủ tướng phê duyệt; định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung.

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp; xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh cho từng doanh nghiệp; nghiên cứu, xác định giá trị thương hiệu vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước và nộp kịp thời các khoản thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp theo quy định.

Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới, trong đó có người quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Cổ phần hóa chậm phải xử nghiêm lãnh đạo

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước kiện toàn bộ máy quản lý, đặc biệt phải kiện toàn ngay đối với bộ máy quản lý, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có hiệu quả; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp; bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực để đáp ứng được yêu cầu. Tăng cường năng lực, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm soát viên và kiểm toán nội bộ.

Xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng; xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện các phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, doanh nghiệp Nhà nước theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Định kỳ hàng quý, năm, báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (báo cáo quý trước ngày 10 của tháng đầu quý sau, báo cáo năm trước tháng 2 của năm sau) và báo cáo các cơ quan chức năng về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện.

Theo VnEconomy

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.