Kịch bản chiến tranh nếu Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên

Một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ có thể khiến Triều Tiên trả đũa bằng cách tấn công pháo binh vào Hàn Quốc.

kich ban chien tranh neu my tan cong phu dau trieu tien

Một cuộc diễn tập của pháo binh Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14, Mỹ đã cảnh báo rằng họ có thể hành động quân sự chống lại nước này, làm gia tăng lo ngại về một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng bất kỳ nỗ lực tấn công phủ đầu nào của Mỹ sẽ kích động Triều Tiên phản công dữ dội vào Hàn Quốc bằng cả vũ khí hạt nhân lẫn các loại vũ khí thông thường, theo NYTimes. Kịch bản cuộc chiến trong những ngày sau đó sẽ như một "ván cờ rất phức tạp theo kiểu ăn miếng trả miếng", Anthony H. Cordesman, nhà phân tích an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói.

Triều Tiên tấn công Seoul để trả đũa Mỹ

Biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc là khu vực được quân sự hóa mạnh nhất thế giới. Dù vũ khí của Triều Tiên không hiện đại bằng đối phương, Hàn Quốc chịu bất lợi lớn về địa lý: Gần một nửa dân số của họ sống trong phạm vi 80 km của Khu phi quân sự (DMZ), trong đó có 10 triệu người tại thủ đô Seoul.

Theo giới phân tích, Triều Tiên đã đặt khoảng 8.000 khẩu pháo và rocket gần DMZ, có khả năng bắn 300.000 quả đạn vào Hàn Quốc trong giờ đầu tiên của cuộc trả đũa. Điều đó có nghĩa là họ có thể gây ra thiệt hại to lớn mà không cần sử dụng đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Triều Tiên sở hữu ít nhất ba hệ thống vươn tới được thủ đô Seoul của Hàn Quốc, gồm pháo Koksan 170 mm và pháo phản lực phóng loạt 240 mm có khả năng tấn công các vùng ngoại ô phía bắc và một số phần của thành phố này. Họ cũng có pháo phản lực phóng loạt 300 mm, có thể vươn đến điểm xa hơn Seoul.

Có khoảng 1.000 vũ khí như vậy gần DMZ, nhiều khẩu được cất giấu trong hang động, đường hầm và boongke. Theo chiến thuật pháo binh truyền thống, Triều Tiên sẽ không bắn tất cả chúng ngay lập tức, một bộ phận pháo sẽ làm lực lượng dự bị để tránh làm lộ vị trí.

Mức độ thiệt hại của cuộc tấn công sẽ phụ thuộc vào số vũ khí và số chất nổ được sử dụng. Năm 2010, Triều Tiên bắn khoảng 170 đạn pháo vào một hòn đảo ở Hàn Quốc, giết hai thường dân và hai binh lính. Giới phân tích sau đó kết luận rằng khoảng 25% đạn pháo của Triều Tiên trong cuộc tấn công bị xịt.

Viện Nautilus về An ninh và Tính bền vững năm 2012 tính toán rằng nếu Triều Tiên tấn công pháo binh tập trung vào các mục tiêu quân sự của Hàn Quốc, 3.000 người sẽ chết trong những giờ đầu tiên. Còn nếu cuộc tấn công tập trung vào mục tiêu dân thường, 30.000 người sẽ thiệt mạng.

Triều Tiên có thể gây thêm thiệt hại bằng cách bắn tên lửa đạn đạo vào Seoul. Tuy nhiên, Joseph S. Bermudez Jr., chuyên gia về Triều Tiên tại hãng tư vấn quốc phòng AllSource Analysis, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ sử dụng tên lửa để nhắm vào các cơ sở quân sự, bao gồm căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản.

Triều Tiên ngày 4/7 phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Video: 9news.

Đòn đáp trả của Mỹ - Hàn

Mỹ và Hàn Quốc có ít biện pháp để phòng vệ Seoul trước một cuộc tấn công pháo binh.

Hàn Quốc có thể đánh chặn một số tên lửa đạn đạo với Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mới được thiết lập cũng như các hệ thống Patriot và Hawk. Nhưng họ không có hệ thống đánh chặn và và phá hủy pháo tầm gần, bay ở độ cao thấp như Iron Dome của Israel để đối phó với pháo Triều Tiên.

Thay vào đó, quân đội Hàn Quốc và Mỹ sẽ dùng chiến thuật đánh trả truyền thống - sử dụng radar và các kỹ thuật khác để xác định vị trí pháo của Triều Tiên khi chúng rời khỏi boongke, sau đó sử dụng rocket và các cuộc không kích để phá hủy chúng.

David Maxwell, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Đại học Georgetown cho biết Lầu Năm Góc đã không ngừng nâng cấp khả năng đáp trả của mình. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng "không có giải pháp dễ dàng nào có thể đánh bại hỏa lực của Triều Tiên trước khi chúng gây ra thiệt hại đáng kể cho Hàn Quốc".

Có nguy cơ cuộc tấn công sẽ leo thang thành chiến tranh toàn diện. Mỹ và Hàn Quốc có thể đánh vào mục tiêu khác ngoài pháo binh, bao gồm nguồn vận chuyển quân nhu và cơ sở thông tin liên lạc. Triều Tiên có thể điều xe tăng và binh sĩ qua biên giới và đưa đặc nhiệm vào các cảng của Hàn Quốc.

Nếu có dấu hiệu nào khiến Triều Tiên nghĩ rằng Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị một cuộc tấn công nhằm ám sát ông Kim Jong-un, họ có thể nổi giận và chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc sinh hóa.

Mỹ - Hàn tập trận phóng tên lửa sau khi Triều Tiên thử ICBM. Video: 9news.

Sơ tán dân thường

Các nhà phân tích cho rằng lực lượng Mỹ và Hàn Quốc có thể mất ba đến bốn ngày để đánh bại pháo binh của Triều Tiên.

Mức thiệt hại mà Triều Tiên có thể gây ra với Hàn Quốc một phần phụ thuộc vào khả năng sơ tán người dân đến nơi an toàn của Hàn Quốc. Khi nhiều pháo của Triều Tiên bị phá hủy và nhiều người đến được nơi an toàn, tỷ lệ thương vong sẽ giảm xuống mỗi giờ.

Chính quyền thành phố Seoul cho biết có gần 3.300 hầm trú bom trong thành phố, đủ để chứa tất cả 10 triệu dân cư. Tại tỉnh Gyeonggi bao quanh thủ đô Seoul, chính quyền đã xây dựng khoảng 3.700 hầm trú ẩn. Nhiều nhà ga trong khu vực cũng có thể được sử dụng làm nơi ẩn náu và hầu hết tòa nhà lớn đều có hầm để xe, nơi người dân có thể tránh đạn pháo.

kich ban chien tranh neu my tan cong phu dau trieu tien

Biển báo đánh dấu điểm trú bom tại Seoul. Ảnh: NYTimes.

Nhưng các nhà phê bình nói rằng giới chức địa phương không chuẩn bị đủ trước nguy cơ bị tấn công bằng pháo binh và người dân cũng khá dửng dưng về viễn cảnh chiến tranh.

Chính phủ Hàn Quốc tiến hành các cuộc diễn tập khẩn cấp chỉ 5 lần một năm, mỗi lần kéo dài khoảng 20 phút. Nhiều cư dân còn không biết nơi trú ẩn gần nhất. Rất ít người dự trữ lương thực và nước, trong khi số lượng mặt nạ phòng độc có thể không đủ để cung cấp cho dân chúng.

"Nếu chiến tranh xảy ra, trong 72 giờ đầu tiên, mỗi cá nhân sẽ phải tự cứu mình", Nam Kyung, thống đốc tỉnh Gyeonggi, nói.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh rằng khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên vẫn khá xa vời. Họ cho rằng Washington vẫn sẽ tập trung gia tăng áp lực kinh tế với Bình Nhưỡng và thúc giục Trung Quốc nỗ lực hơn trong việc kiềm chế đồng minh.

"Chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp quân sự nếu chúng tôi bắt buộc phải làm vậy", đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói. "Nhưng chúng tôi không muốn phải đi theo hướng đó".

Theo VNE

Đọc thêm

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.
Khởi hành mang tết ra Trường Sa

Khởi hành mang tết ra Trường Sa

Sau ba hồi còi chào đất liền, tàu chở đoàn công tác (trong đó có PV Báo Hà Tĩnh) rời Quân cảng Cam Ranh bắt đầu hành trình mang mùa Xuân đến với quân và dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.