Kiểm soát quyền lực - “lấy dân làm gốc”

(Baohatinh.vn) - Theo đánh giá trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, sa vào chủ nghĩa cá nhân... Trong bối cảnh đó, quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS) có vai trò như “cây gậy” để kiểm soát quyền lực người đứng đầu, tăng cường sức mạnh cho tổ chức Đảng, chính quyền, củng cố niềm tin trong nhân dân.

kiem soat quyen luc lay dan lam goc

Quan tâm lắng nghe ý kiến của người dân để tạo môi trường dân chủ thực sự.

Tôi còn nhớ rất rõ, trong rất nhiều cuộc họp của những năm trước đây, nhiều đại biểu tham gia phát biểu thường phải đăng ký và được lãnh đạo duyệt nội dung trước. Đối với các vấn đề bất cập, nhạy cảm, hầu hết đều phải né tránh. Bởi vậy, các cuộc họp chỉ mang tính hình thức; đại biểu tham dự mang tâm lý nặng nề và dần trở nên thờ ơ, hời hợt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc đổi mới nội dung hội họp đã được thực hiện mạnh mẽ. Các cuộc họp hầu hết đều triển khai theo tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu chia sẻ: “Đổi mới hội họp suy cho cùng cũng là thực hiện QCDCCS. Họp cốt để nghe các vấn đề cần quan tâm, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, đối thoại và bàn các giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, để cơ sở dám “nói thẳng, nói thật” thì trước hết phải tạo được môi trường dân chủ thực sự”…

Với tinh thần đó, những năm gần đây, Đảng bộ Sở Y tế đã chỉ đạo cấp ủy các chi bộ trực thuộc thực hiện nghiêm túc quan hệ công tác và lề lối làm việc theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Nhờ vậy, từ một ngành gây nhiều bức xúc cho người dân kéo dài thì những năm gần đây đã không ngừng nâng cao chỉ số hài lòng của người dân. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, hầu như không còn các ý kiến “nóng” về ngành Y tế Hà Tĩnh.

Không chỉ riêng ngành Y tế, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đều đã xây dựng và thực hiện QCDCCS theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP và Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, tập trung vào vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong việc thực hiện QCDCCS ở nội bộ cơ quan, đơn vị; những việc phải công khai để CBCCVC được biết; những việc CBCCVC tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc CBCCVC giám sát kiểm tra; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thông qua việc thực hiện QCDCCS, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu có những chuyển biến tích cực. Dân chủ trong Đảng được mở rộng và thực hiện ngày càng thực chất; nhất là trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, quyết định các vấn đề lớn mang tính chiến lược của tỉnh và các địa phương, đơn vị.

Chị Nguyễn Thị Hiền (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Qua theo dõi cho thấy, dân chủ trong Đảng, chính quyền ngày càng được mở rộng và tiến bộ. Lãnh đạo TP Hà Tĩnh và lãnh đạo tỉnh đã có những cuộc đối thoại với người dân rất cởi mở và trách nhiệm, tôn trọng người dân. Điển hình như việc đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với các tiểu thương ở Chợ TP Hà Tĩnh, Chủ tịch đã dành đến 2 cuộc đối thoại để lắng nghe và giải quyết các nguyện vọng của bà con. Rồi các cuộc thi tuyển công chức, viên chức gần đây rất công khai, minh bạch”…

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh khẳng định: “Sinh thời, Bác Hồ đúc kết, thực hành dân chủ rộng rãi là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết các vấn đề khó khăn”. Xây dựng và thực hiện tốt QCDCCS sẽ góp phần quan trọng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, nhất là kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số

02-NQ/TU ngày 12/5/2017 về “Tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDCCS trong thời gian tới” và đang từng bước triển khai thực hiện với mục tiêu trên. Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống thì việc nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng quy chế và điều hành thực hiện quy chế rất quan trọng. Nghị quyết đã nêu rõ, sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện tốt QCDCCS và sẽ có hình thức xử lý nghiêm những trường hợp điều hành thực hiện nhiệm vụ có tính áp đặt, tùy tiện, không theo quy chế.

Ông Lê Văn Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh: Tập thể cấp ủy phải đồng tiếng nói

So với trước đây, hiện tượng tin nhắn rác, đơn thư nặc danh phản ánh về đặc quyền đặc lợi của cán bộ lãnh đạo không còn. Tuy nhiên, so với yêu cầu, việc thực hiện QCDCCS vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Về xây dựng quy chế cho cơ quan, đơn vị, vẫn còn phổ biến tình trạng sao chép văn bản cấp trên chứ chưa cụ thể hóa theo yêu cầu thực tiễn. Hàng năm, đánh giá việc tổ chức thực hiện và bổ sung, sửa đổi quy chế thông qua hội nghị cán bộ, viên chức một số đơn vị vẫn còn khoán trắng cho công đoàn. Cấp ủy, lãnh đạo chưa vào cuộc thực sự nên việc đánh giá không sát, bổ sung các bất cập không kịp thời. Nhiều phần việc, nhất là trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, nhiều nơi thực hiện chưa đúng tinh thần, vẫn còn tình trạng “diễn” dân chủ.

Thực hiện mở rộng dân chủ trong Đảng là hạt nhân để thực hiện dân chủ trong xã hội. Vì vậy, đòi hỏi cấp ủy phải lãnh đạo thường xuyên, liên tục. Tập thể cấp ủy phải đồng tiếng nói, tư tưởng, kiểm soát được quyền lực người đứng đầu.

Ông Phan Ngọc Lan - phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh: Dân chủ bắt đầu từ sự đấu tranh thẳng thắn của mỗi cán bộ, công chức

Thực tế, nhiều cán bộ, người dân biết cái sai của cấp trên, của lãnh đạo mà không dám lên tiếng đấu tranh vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích hoặc sợ bị trù dập. Mặt khác, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong các cơ quan phần lớn chưa được phát huy mà còn chịu sự chi phối của người đứng đầu. Vì vậy, để thực sự phát huy được QCDCCS trong các cơ quan, đơn vị thì trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức rất lớn. Trước hết phải bắt đầu từ lá phiếu. Khi tham gia bỏ phiếu, lựa chọn nhân sự vào cấp ủy và các tổ chức chính trị xã hội, mỗi người phải bằng tâm huyết, lựa chọn những cá nhân thực sự ưu tú, có chính kiến, đại diện được tiếng nói cho cơ sở chứ không bị cấp trên chèo lái theo phe cánh. Mặt khác, phải nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật để làm việc đúng với tinh thần đường lối, chủ trương của Đảng.

Ông Lê Xuân Hường - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Hà: Nâng cao nhận thức về quy chế dân chủ cơ sở

Điều đáng quan tâm nhất trong thực hiện QCDCCS hiện nay vẫn là nhận thức của cấp ủy, chính quyền. QCDCCS được xem như “chìa khóa vạn năng” cho phát triển, tiến bộ. Nhưng thực tế vẫn còn tư tưởng dân chủ hình thức, tựa như chiếc chìa khóa bị cong, méo mó thì không thể mở ra cánh cửa mong đợi được. Vì vậy, phải tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức một cách sâu sắc cho cấp ủy, chính quyền.

Về phía người dân, cần tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về QCDCCS để từ đó biết đòi hỏi quyền và lợi ích chính đáng của mình. Mặt khác, khi người dân hiểu một cách sâu sắc về dân chủ thì họ cũng tránh được sự lợi dụng, kích động của các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan thường xuyên lợi dụng triệt để vấn đề dân chủ để chống phá.

Chị Nguyễn Thị H. - Tiểu thương ở Chợ TP Hà Tĩnh: Chúng tôi cần được minh bạch thông tin, được đối thoại thẳng thắn

Với tiểu thương, hiện còn nhiều thông tin chưa được minh bạch và chúng tôi chưa được tiếp cận. Đơn giản như việc tăng các khoản thu hàng năm của tiểu thương ở chợ, thường người ta chỉ công bố và thu chứ không thông tin và không lấy ý kiến của người dân trước. Có một đôi lần, chúng tôi đã đấu tranh việc ban quản lý chợ không công khai, không công bằng giữa các tiểu thương nhưng bị dập tắt rất nhanh. Họ dập tắt bằng cách gây khó khăn trực tiếp cho chính người đi đấu tranh đó. Và khi bị đưa vào “danh sách đen” như thế, rồi bị ảnh hưởng về quyền lợi thì cũng phải tự mình rút lui. Câu nói đùa “đấu tranh, tránh đâu” với chúng tôi có lúc là sự thật. Thực tế, có những thời điểm chúng tôi rất cần đối thoại nhưng không được thực hiện quyền dân chủ này.

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.