Kiên quyết ngăn chặn thông tin xấu - độc, đảm bảo an ninh mạng

(Baohatinh.vn) - Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, chiều nay (18/4), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn lần lượt trả lời 13 câu hỏi chất vấn thu hút sự quan tâm của dư luận lâu nay về thông tin xấu, độc hại; an toàn thông tin mạng và đạo đức người làm báo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các Phó chủ tịch Quốc hội: Đỗ Bá Tỵ, Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu chủ tịch đoàn. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo nhiều Bộ, ngành trung ương cùng dự.

Đầu cầu Hà Tĩnh do Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh điều hành.

Ngăn chặn thông tin xấu - độc, bạo lực

Trả lời câu hỏi của các đại biểu xung quanh vấn đề ngăn chặn thông tin xấu - độc, kích động trên mạng internet Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận định, Việt Nam là nước có số lượng người dùng mạng xã hội thuộc tốp đầu thế giới, tin tức được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Ngoài ra, các thế lực thù địch còn sử dụng cả trang mạng trong nước và nước ngoài nhằm bôi nhọ chế độ, lãnh đạo, làm nhiễu thông tin, kích động thù hằn...

Để ngăn chặn thông tin xấu độc, tin giả, tin xấu trên mạng xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện thể chế (đã ban hành Thông tư 38), đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống; trong sạch hóa đội ngũ người làm báo; minh bạch thông tin... để “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”; xử phạt nghiêm minh các trường hợp sai phạm xác định được nhân thân; đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua Bộ đã yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.200 clip xấu độc, bạo lực trên kênh youtube; 4 tháng đầu năm 2017 đã xử phạt hành chính 10 trường hợp vi phạm. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Facebook để gỡ bỏ những trang giả mạo. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng, Bộ cũng sẽ xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế để tạo “bộ lọc” thông tin và quản lý chặt chẽ vấn đề này.

Liên quan đến các chương trình truyền hình thực tế chưa có tính giáo dục cao, nổi bật là các sai phạm về thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác, hình ảnh phản cảm thời gian qua, Bộ thường xuyên tăng cường công tác giám sát, tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm. Đối với sai phạm nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì phạt hành chính, thu thẻ nhà báo, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động... Phối hợp với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng

Về an toàn, an ninh thông tin mạng, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phải phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong bảo đảm an toàn thông tin mạng; cơ chế phối hợp xử lý sự cố; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực; đảm bảo cơ sở vật chất; hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, cảnh báo, đảm bảo an toàn kỹ thuật... Mỗi địa phương, tổ chức chủ động siết chặt an toàn, an ninh thông tin mạng đơn vị, địa phương mình.

Nhất trí với đại biểu rằng để đảm bảo an toàn thông tin phải làm chủ công nghệ, Bộ trưởng nêu rõ, đây không phải điều dễ dàng thực hiện. Thời gian qua, có một số doanh nghiệp làm chủ được sản phẩm về an toàn thông tin, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp này tiếp tục phát triển.

Đối với bán hàng online, Bộ TT&TT không quản lý nội dung mà chỉ quản lý kỹ thuật, vì thông tin bán hàng online là thuộc thẩm quyền Bộ Công thương. Về quảng cáo quá thực tế, hiện nay, Bộ đã có sự phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý hoạt động này như phối hợp với các Bộ: Công Thương, VHTT&DL, Y tế, đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo.

Về việc các trang thông tin điện tử xuất hiện tràn lan, Bộ trưởng khẳng định thực trạng này là có. Tuy nhiên, cần xem trang thông tin điện tử chỉ có tính chất báo chí chứ không có chức năng sản xuất tin, bài; khi trang này lấy thông tin báo chí phải trích dẫn nguyên văn và ghi nguồn rõ ràng. Bộ sẽ xử lý nghiêm cơ quan báo chí và các trang thông tin điện tử dẫn nguồn tin sai sự thật, tùy vào mức độ vi phạm.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nhận trách nhiệm của Bộ về việc phòng chống sim rác. Theo Bộ trưởng, sở dĩ chưa giải quyết được triệt để vấn đề này là vì lợi ích của nhiều bên (cả nhà mạng, lẫn đại lý và người dùng...). Để xử lý vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, tinh thần của Bộ là phải chặn ngay từ đầu ra là nhà mạng, quản lý chặt chẽ tài nguyên kho số quốc gia, giảm đầu 11 số; quy trách nhiệm cho các nhà mạng; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính để đề xuất cấp thẩm quyền quy định nâng cao mức phạt; tăng cường khuyến khích người dùng sử dụng sim trả sau;...

Nâng cao đạo đức người làm báo

Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ rõ, thời gian qua cách làm báo của một số phóng viên, nhà báo không đúng với đạo đức nghề nghiệp, mô tả các hành vi giết người man rợ, khai thác thông tin giật gân xung quanh vụ việc, xâm phạm quyền riêng tư của nạn nhân... Bộ sẽ xử lý nghiêm khắc các cá nhân vi phạm và xử lý lãnh đạo cơ quan báo chí nếu tiếp tục để sai phạm xảy ra trong thời gian tới. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan báo chí, đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt hơn mục đích tuyên truyền, giáo dục.

Trả lời câu hỏi của đại biểu TP.Hồ Chí Minh về việc “có hay không Bộ TT&TT “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong quản lý nhà nước về báo chí?”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: Trong công tác QLNN về báo chí, Bộ luôn xử lý công bằng, không bao che đối với các vi phạm của các cơ quan báo chí, ngay cả với Báo điện tử Infonet (Bộ là cơ quan chủ quản), khi có sai phạm Bộ đã đình chỉ công tác đối với Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Infonet; không để xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chất vất Bộ trưởng Bộ TT&TT về cơ chế quản lý để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, bảo vệ thông tin đời tư trên môi trường mạng; giải pháp giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển phần mềm trong bảo đảm an toàn thông tin; cơ chế phối hợp giữa 3 Bộ: TT&TT, Quốc phòng, Công an...

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn cả ngày hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên họp được tiến hành theo đúng quy định, những vấn đề chất vấn đều là những vấn đề bức xúc, được cử tri và ĐBQH quan tâm. Không khí phiên chất vấn thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu; các vị Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, chỉ ra những giải pháp trong thời gian tới trong thẩm quyền của mình.

Sau phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phiên chất vấn để làm căn cứ cho việc giám sát, thực hiện. Cùng với hoạt động chất vấn tại phiên họp này theo lĩnh vực phụ trách, đề nghị các Ủy ban Quốc hội, các vị đại biểu quốc hội và cử tri tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành; tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề bức xúc trong nội dung được phân công, góp phần cùng Chính phủ tháo gỡ các vấn đề nảy sinh, đáp ứng yêu cầu của đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước.

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, trong suốt 1 ngày chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra những vấn đề sát sườn, thiết thực, đây cũng là vấn đề Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Đối với các vấn đề liên quan đến ngành thông tin truyền thông, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, cần nhìn thẳng vấn đề đó là hiện nay CNTT phát triển rất nhanh và chúng ta không thể đứng ngoài cuộc; một mặt phải khuyến khích phát triển, một mặt phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra cảnh báo về việc Việt Nam hiện đứng thứ đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị công nghệ; đứng thứ 10 về lây nhiễm phần mềm độc hại qua hình thức trực tuyế... Để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp đồng bộ, mà quan trọng nhất là ý thức của người sử dụng.

"Việc mất an toàn thông tin mạng không đơn giản chỉ là tuyên truyền nội dung trái thuần phong mỹ tục, mà quan trọng hơn là nắm quyền điều khiển hệ thống và đánh sập các hệ thống điều hành. Vì vậy, vai trò của Hiệp hội các doanh nghiệp làm CNTT và bảo vệ an toàn thông tin mạng cần phát huy hơn hơn nữa; tuyên truyền sâu rộng đến từng người sử dụng; chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin sự thật, chính thống" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói