Trước năm 1995, tỷ lệ thừa cân không đáng kể, béo phì hầu như không có nhưng từ năm 2000 đến 2005, tỷ lệ thừa cân và béo phì đã tăng gấp 2 lần ở người trưởng thành (từ 3,5% lên 6,6%). Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân béo phì tăng gấp 9 lần sau 10 năm (2000 - 2010) và năm 2013 tỷ lệ này đã ở mức 6,3%.
Việt Nam đang có sự gia tăng nhanh của bệnh thừa cân/béo phì. Trong khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn cao, chúng ta đang phải đối mặt với “gánh nặng kép” về dinh dưỡng.
Cuộc Tổng điều tra do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy ở người trưởng thành từ 18 - 69 tuổi có tới 15,6% bị thừa cân, béo phì, trong đó ở thành thị là 21,3% và nông thôn là 12,6%; tỷ lệ tăng huyết áp là 18,9%; tỷ lệ tăng Cholesterol máu là 30,2%.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi, thừa cân/béo phì một phần là do bà mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng, về cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Nhiều trẻ phát triển bình thường, nhưng bà mẹ vẫn muốn con tăng cân hơn nên ép trẻ ăn qúa nhiều làm trẻ bị áp lực tâm lý dẫn đến lười ăn gây suy dinh dưỡng hoặc trẻ ăn quá nhiều so với nhu cầu dẫn tới thừa cân/béo phì.
Thực tế, nhiều bà mẹ đưa con đến khám và tư vấn dinh dưỡng tại Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia đang nuôi con dựa theo kiến thức về dinh dưỡng thu nhận được từ Internet, mạng xã hội. Vì vậy nhiều kiến thức về chăm sóc nuôi dưỡng trẻ chưa đúng. Đặc biệt, các sản phẩm thực phẩm dành cho trẻ em được quảng cáo, tiếp thị đầy cám dỗ đã cuốn hút không ít bà mẹ, đặc biệt là giới trẻ, tin dùng.
Ví dụ trường hợp một bà mẹ trẻ mang con đến khám vì con lười ăn: dù vẫn đang nuôi con bằng sữa mẹ nhưng bà mẹ này vẫn kết hợp dùng thêm sữa công thức vì nghĩ mình không đủ sữa. Qua trao đổi với các bác sĩ mới biết bà mẹ này nghe thông tin quảng cáo nói về tác dụng của máy hút sữa nên đã mua máy hút sữa để vắt sữa, rồi đổ sữa mẹ vào bình cho con bú. Việc cho trẻ bú bằng bình ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm mẹ con bởi cho con bú trực tiếp sẽ làm tăng mối quan hệ và tình cảm giữa mẹ và con. Sai lầm lại nối tiếp sai lầm nữa là bà mẹ này luôn nghĩ mình không đủ sữa, điều đó đã ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa.
Nếu vì một lý do nào đó, mẹ không đủ sữa để nuôi con, cần phải cho trẻ ăn thêm sữa công thức, thì các mẹ cần lưu ý về nhãn mác sản phẩm như: hãng sản xuất, sữa dùng cho lứa tuổi nào, thành phần các chất dinh dưỡng (năng lượng, đạm, đường, béo…), hạn sử dụng. Đồng thời chú ý vỏ hộp phải bình thường, không bị phồng hoặc lõm, vỏ hộp không bị hoen gỉ, nhãn mác đầy đủ, không bị rách hoặc tẩy xóa. Mỗi loại sữa công thức là một loại thức ăn, có thể phù hợp với trẻ này nhưng không phù hợp với trẻ khác là hoàn toàn bình thường. Không phải cứ sữa đắt tiền là tốt, sữa phù hợp với trẻ là tốt và khi dùng trẻ sẽ tăng cân đều đặn, tiêu hóa tốt.
Để trẻ phát triển tốt cả thể thể lực, tầm vóc và trí tuệ, các mẹ cần trang bị kiến thức về dinh dưỡng, về chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trước, trong hoặc sau khi kết hôn để có kiến thức trước khi làm mẹ. Những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng mà người phụ nữ cần biết là: chăm sóc bà mẹ có thai, nuôi con bằng sữa mẹ, thực hiện tô màu bắt bột cho trẻ, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, tổ chức bữa ăn hợp lý…
Từ đó, khi phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ mới thực hiện các hành vi đúng về dinh dưỡng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, biết theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của trẻ để dự phòng sớm nguy cơ suy dinh dưỡng, nguy cơ thừa cân/béo phì ở trẻ.