“Cầu nối” ý Đảng, lòng dân

(Baohatinh.vn) - Mặc cho cái nắng như thiêu đốt và những đợt gió lào rát bỏng trên vùng “chảo lửa”, hàng cây xanh ở các khu tái định cư (TĐC) xã Kỳ Liên (Kỳ Anh) dưới bàn tay chăm sóc của con người vẫn vươn cành, xanh lá. Thời gian, sức người như một phép màu biến những vùng đất hoang vu, xơ xác ngày nào dần trở thành khu đô thị mới sầm uất với sự phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ.

Là một trong những xã được các dự án, nhà đầu tư lựa chọn làm nơi lập nghiệp, người dân Kỳ Liên phải đối mặt với không ít khó khăn cùng biết bao trăn trở trong việc thay đổi tập quán sản xuất tự bao đời, rời bỏ mảnh đất hương hỏa của ông cha. Thế nhưng, với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, kịp thời tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến bà con, Kỳ Liên đã trở thành một trong những điểm sáng về công tác di dời, giải phóng mặt bằng, TĐC.

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Kỳ Liên tham gia giám sát công trình phúc lợi trên địa bàn.
Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Kỳ Liên tham gia giám sát công trình phúc lợi trên địa bàn.

Ông Đinh Quang Cảnh - Chủ tịch UB MTTQ xã cho biết: “5 năm qua, xã đã có 16 dự án đầu tư trên địa bàn với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 492 ha. Toàn xã có 1.309 lượt hộ bị ảnh hưởng, 302 hộ phải di dời nhà cửa vào khu TĐC và nơi khác; cất bốc 198 ngôi mộ vào khu nghĩa trang mới, di dời 3 nhà thờ dòng họ, 9 đền chùa, miếu mạo, với tổng số tiền đền bù, hỗ trợ trên 300 tỷ đồng”.

Bắt tay thực hiện mới thấy hết khó khăn khi một số người dân chưa thông hiểu chủ trương, đường lối, không ít hộ băn khoăn, thắc mắc trong quá trình kiểm đếm đền bù cũng tỏ ra bất bình… Tuy nhiên, từ hàng trăm cuộc họp bàn với người dân ở các khu dân cư, MTTQ xã Kỳ Liên đã có cách làm sáng tạo, tìm ra những phương pháp linh động để vận động người dân. Ông Cảnh cho biết thêm: “Tùy tình hình đặc điểm từng khu dân cư mà chúng tôi có cách vận động riêng. Nơi thì tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, những nhân tố tích cực gương mẫu đi đầu hoặc ngược lại. Điều quan trọng nhất là việc nắm bắt tình hình để kịp thời giải quyết những băn khoăn, vướng mắc của bà con. Việc kiểm đếm, áp giá đền bù được công khai, minh bạch nên Kỳ Liên đã trở thành địa bàn “nói không” với vấn đề cưỡng chế trong quá trình di dời”.

Song song với đó, MTTQ còn vận động đoàn viên, hội viên đóng góp hàng ngàn ngày công lao động giúp các hộ di chuyển nhà cửa. Đây không chỉ là nghĩa cử cao đẹp làm ấm lòng những người ra đi mà còn thêm một lần khẳng định lòng tin của nhân dân đối với Đảng, sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương CNH-HĐH do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Ông Nguyễn Thế Oanh (thôn Liên Sơn) cho biết: “Ban đầu, chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng bởi người dân từ trước đến nay chỉ trông chờ vào hoa lợi của ruộng đồng, nay thu hồi đất thì biết làm gì để sống, đó là chưa nói đến những khó khăn khi đến nơi ở mới. Tuy nhiên, sự thông suốt trong tư tưởng sau khi được tuyên truyền, sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể trong việc tháo dỡ, di chuyển và sắp xếp tại nơi ở mới là nguồn động viên tinh thần giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Giờ đây, với việc phát triển dịch vụ cho thuê nhà trọ, con cái tìm được việc làm ở khu kinh tế đã giúp gia đình tôi cất đi gánh nặng mưu sinh”.

Niềm vui của gia đình ông Oanh cũng là niềm vui chung của hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã khi có sự vào cuộc của các đoàn thể như: đoàn thanh niên với công tác tư vấn việc làm; phụ nữ tham gia tập huấn chuyển đổi nghề cho chị em; hội CCB chủ động phối hợp với ngân hàng giúp hộ nghèo vay vốn, đồng thời tư vấn triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh; hội nông dân với phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng… Đến thời điểm hiện tại, ngoài việc phát huy hiệu quả các mô hình trong chuyển đổi sản xuất như: chăn nuôi lợn đàn, gà thả vườn, nuôi lợn rừng, nhím, dê, sản xuất nấm, Kỳ Liên đã có thêm 225 hộ xây nhà trọ, cho thuê mặt bằng, gần 100 hộ có ô tô vận tải, máy móc, 72 hộ làm nghề cơ khí, nề, mộc, 21 hộ sản xuất bún bánh, đậu phụ và hàng ngàn lao động phổ thông đang làm việc cho các công ty, xí nghiệp, thu nhập 5-7 triệu đồng/người/ tháng.

Bức tranh cuộc sống trên vùng TĐC Kỳ Liên đang từng ngày khởi sắc, mảnh đất giàu tiềm năng này cũng sẽ là điểm dừng chân của những dự án lớn trong tương lai. Sẽ có thêm hàng chục ha đất được giải phóng, hàng trăm gia đình phải di dời, nhưng với sức mạnh đoàn kết, Kỳ Liên luôn sẵn sàng để những dự án lớn góp phần làm giàu cho quê hương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast