Chống thất thu thuế trong kinh doanh xăng dầu

(Baohatinh.vn) - Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có lượng tiêu thụ lớn nên dễ bị gian lận. Điều này không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh, làm thất thu ngân sách mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng.

Sau một thời gian rà soát, nghiên cứu, “bài toán” hóc búa về quản lý xăng dầu đã được lên “cách giải” bằng đề án tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn của UBND tỉnh vừa mới được ban hành đầu tháng 12 vừa qua.

Dán tem niêm phong cột xăng dầu

Thị trường kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của nhiều đơn vị. Trong đó, ngoài 2 doanh nghiệp (DN) đầu mối là Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh và Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng thì còn rất nhiều DN vừa và nhỏ kinh doanh với số lượng lớn nhưng số thuế nộp ngân sách chiếm tỷ lệ thấp trong tổng thu ngân sách hàng năm của tỉnh. Theo số liệu thống kê, năm 2014, toàn địa bàn có 76 DN, tổ chức kinh doanh xăng dầu, 151 cửa hàng bán xăng dầu và 531 cột bơm xăng dầu thì số thuế nộp đạt 236.350 triệu đồng. Trong khi đó, cũng với số lượng như vậy nhưng số thuế nộp năm 2015 tăng gần gấp đôi so với 2014 khi tổng nộp đạt 438.796 triệu đồng.

chong that thu thue trong kinh doanh xang dau

Việc dán tem niêm phong trên đồng hồ tổng cột bơm xăng dầu sẽ giúp cơ quan thuế quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực này.

Theo phân tích của các ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng, dầu. Trước hết là do phần lớn người tiêu dùng cá nhân khi mua đều không lấy hóa đơn nên lượng xăng, dầu này có thể được chuyển hóa thành hóa đơn cung cấp cho các cơ sở kinh doanh khác để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, đồng thời, hạch toán chi phí nhằm làm tăng số thuế GTGT được hoàn hoặc giảm số thuế GTGT, thuế thu nhập DN phải nộp. Một số cơ sở nhập xăng, dầu trôi nổi trên thị trường để kinh doanh, bỏ ngoài sổ sách kế toán, không kê khai nộp thuế. Cùng với đó, mặc dù công tác quản lý thuế đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế lâu nay trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu để đưa hoạt động này vào nền nếp; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường quản lý thu thuế nên vẫn còn tình trạng thất thu trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

Để khắc phục tình trạng này, việc thực hiện đề án tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh với cách thức dán tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả cột đo xăng, dầu được cho là giải pháp hữu hiệu. Theo đó, việc dán tem nhằm xác định các chỉ số đầu kỳ, cuối kỳ để tính toán sản lượng xăng, dầu xuất bán. Hàng tháng, quý, cán bộ ngành thuế sẽ đến các cơ sở này ghi chỉ số đang thể hiện trên công tơ tổng, để đối chiếu với hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả các cột đo xăng, dầu; xử lý đối với các trường hợp có tác động chủ quan làm ảnh hưởng đến các chỉ số công tơ tổng, dẫn đến sai lệch số xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ.

Trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu xét thấy cần phải kiểm tra lượng xăng, dầu tồn kho thực tế để có cơ sở xác định tính trung thực của hồ sơ khai thuế thì cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm kê xăng, dầu tại cơ sở kinh doanh. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm tự ghi chép đầy đủ nội dung sổ nhật ký theo dõi sử dụng phương tiện đo xăng, dầu mỗi khi tự kiểm tra hoặc khi cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, xác nhận tình trạng hoạt động của cột đo xăng, dầu; thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi phát sinh việc hư hỏng công tơ tổng. Đối với những cột đo xăng, dầu hoặc các bộ phận máy móc liên quan phải sửa chữa mà cần bóc tem niêm phong đều phải thông báo với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và cơ quan thuế để được giải quyết. Nếu cơ sở nào tự ý bóc gỡ tem niêm phong hoặc làm rách, sẽ bị xử lý theo quy định của ngành chuyên môn và ấn định thuế theo Luật Quản lý thuế hiện hành.

Ông Dương Hồng Lĩnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - đơn vị được giao chủ trì thực hiện đề án, cho biết: “Cục Thuế đã tham mưu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo, gồm các ngành, địa phương liên quan và dự kiến triển khai dán tem niêm phong vào đầu năm 2017. Đặc biệt, công tác hậu kiểm sau khi dán tem cũng được chú trọng kiểm tra, kiểm soát để tránh bị lợi dụng. Bên cạnh đó, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh những chế tài xử lý nếu vi phạm đề án nhằm thực hiện tốt nhất công tác siết chặt quản lý thu ngân sách trong lĩnh vực này”.

Sự đồng thuận bước đầu của DN, khách hàng

Là một trong 2 DN đầu mối cung cấp xăng, dầu trên địa bàn, Công ty Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng cũng là đơn vị có số thuế nộp tương đối khá trong những năm qua. Đánh giá về việc đề án sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Đặng Đình Tân - Trưởng phòng Đầu tư và Phát triển mạng lưới cho biết: “Việc siết chặt quản lý đối với mặt hàng xăng, dầu là rất cần thiết và công ty hoàn toàn đồng tình ủng hộ đề án này áp dụng trên địa bàn. Theo đó, đề án sẽ góp phần tạo sự bình đẳng giữa các DN, đồng thời, làm tăng đáng kể nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, chiết khấu giữa các đơn vị có sự tương đồng nên sản lượng tiêu thụ của các đơn vị đầu mối sẽ tăng cũng là một ưu điểm của đề án. Thời gian tới, công ty sẽ triển khai đến các cửa hàng trưởng, đơn vị trực thuộc để phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai một cách tốt nhất”.

Bày tỏ sự đồng thuận với đề án, anh Nguyễn Văn Tú (Thạch Hà) vui mừng: “Có nghe thông tin mua hàng từ 200 nghìn đồng trở lên thì được bên bán xuất hóa đơn, nhưng trong đời anh chưa một lần lấy hóa đơn ở trạm xăng. Biết vậy là có thể đã tiếp tay cho DN vi phạm về nghĩa vụ ngân sách nhưng cũng rất bất tiện nếu thực hiện “đúng chuẩn”. Nay đề án được thực hiện thì người tiêu dùng vừa yên tâm khi được sử dụng xăng, dầu rõ nguồn gốc, chất lượng đúng với giá trị thực, lại vừa cảm thấy làm được một việc tốt để giúp tăng thu ngân sách cho địa phương”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast