Chuyển đổi trà lúa vụ xuân- nhiều địa phương “căng”

Theo báo cáo của ngành chức năng, đến ngày 9-12, tính cả diện tích mạ đã bắc và lúa gieo thẳng, toàn tỉnh có trên 400 ha trà xuân sớm đã được xuống giống. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, đến thời điểm này, con số thực tế chắc chắn còn lớn hơn. Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh - các địa phương đang có diện tích lúa xuân sớm đang “căng như dây đàn” trong cuộc đấu tranh đầy gian khó.

Những ruộng mạ xanh tốt khoảng 10 ngày tuổi mà chúng tôi gặp ở huyện Lộc Hà chủ yếu tập trung ở những vùng đất được coi là “tử địa” (không có thủy lợi và thấp trũng) như Thạch Mỹ, Mai Phụ…

Ruộng mạ IR1820 ở xã Thạch Mỹ (Lộc Hà)

Ruộng mạ IR1820 ở xã Thạch Mỹ (Lộc Hà)

Dừng chân bên ruộng mạ khá lớn tại xã Thạch Mỹ (Lộc Hà), chúng tôi được ông Trần Đình Tự - xóm trưởng xóm 8, cho biết, người dân xóm ông đã bắc mạ xuân sớm được hơn 1/3 diện tích cả vụ (15ha). Và không chỉ xóm 8, mà các xóm khác cũng đã bắc được khá nhiều.

“Thực hiện chủ trương của cấp trên, nhiều ngày qua cán bộ thôn chúng tôi đã đến tận các hộ dân vận động bỏ trà xuân sớm. Tuy nhiên, nhiều người dân không nghe, vẫn ra đồng bắc mạ xuân sớm. Chúng tôi đành bó tay” - ông Tự nói.

Phó chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ - Võ Tá Hiếu cho biết, việc chỉ đạo bỏ trà xuân sớm (giống IR1820) ở địa phương đang gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp ở đây có những điều kiện sản xuất đặc thù. Đồng ruộng không bằng phẳng, nơi quá cao, nơi quá thấp trũng, đến thời vụ cấy không tiêu thoát được nước làm ngập mạ như vùng đồng Truồng, đập Bần, Cà Há (xóm 7) và các vùng ven đập từ xóm 7 đến xóm 9.

Bên cạnh đó, nhiều vùng do không có hệ thống thủy lợi nên không chủ động được nước, đến thời điểm cấy trà xuân muộn dễ bị khô hạn. “Dù vậy, quyết tâm thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện, vụ xuân 2013, Thạch Mỹ vẫn đặt kế hoạch gieo cấy 300 ha, với cơ cấu xuân trung 50%, xuân muộn 50%.

Tuy nhiên, tại cuộc họp triển khai sản xuất vụ xuân 2013, nhiều người dân yêu cầu xã phải có cam kết nếu làm xuân muộn không hiệu quả thì đền bù được sản lượng bằng với xuân sớm. Điều này vượt quá khả năng của xã” - ông Hiếu nói.

Cái khó về điều kiện sản xuất cũng là lý do mà thị trần Xuân An (Nghi Xuân) đưa ra cho câu trả lời về hàng chục ha mạ xuân sớm đã được bắc khắp các cánh đồng.

Nhiều địa phương làm đất sẵn sàng cấy lúa xuân sớm

Nhiều địa phương làm đất sẵn sàng cấy lúa xuân sớm

Ông Trần Xuân Đạo - tổ trưởng dân phố 7 Thị trấn Xuân An cho biết: Mặc dù đã được tuyên truyền về chủ trương bỏ trà xuân sớm nhưng do chất đất pha cát và không chủ động nguồn nước nên nhiều hộ nông dân ở đây vẫn tiến hành cơ cấu giống dài ngày để tận dụng nguồn nước đang dồi dào hơn ở thời điểm này. Hiện gia đình ông cũng đã bắc mạ giống IR 1820 trên diện tích 5 sào đồng thời lo đắp bờ giữ nước phục vụ sản xuất vụ xuân.

Ông Hoàng Văn Đức - Phó chủ tịch UBND thị trấn Xuân An cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện, Thị trấn Xuân An cũng đã xây dựng đề án vụ Xuân năm 2013 với tư tưởng tập trung chỉ đạo quyết liệt bỏ trà xuân sớm, bố trí trà xuân trung hợp lý, mở rộng diện tích xuân muộn theo giống ngắn ngày có năng suất sản, chất lượng cao.

Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh nhưng do điều kiện thực tế của địa phương nên việc bỏ trà xuân sớm gặp nhiều khó khăn. Hiện trên địa bàn thị trấn, nông dân đã tiến hành bắc mạ cho cả trà xuân sớm và trà xuân trung. Trong đó khoảng gần ½ giống IR 1820 còn lại các loại giống X23, NX 30, P6.

Ông Đức cho biết, người dân mong muốn được đầu tư hệ thống kênh mương, chủ động nguồn nước cho các diện tích trồng lúa để tiến hành chuyển đổi trà lúa phù hợp với chủ trương của tỉnh. Theo thống kê của Sở No & PTNT, Nghi Xuân là huyện đang có diện tích xuống giống xuân sớm lớn nhất trong tỉnh.

Tại thành phố Hà Tĩnh, ngày 4-12, Chủ tịch UBND Thành phố đã có công văn phê bình, yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với chủ tịch UBND các phường, xã đã thiếu quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất để nhân dân xuống giống trà xuân sớm như: Đại Nài, Văn Yên, Thạch Linh, Thạch Hưng, Nguyễn Du.

Tiếp thu tinh thần chỉ đạo này, các địa phương tăng cường chỉ đạo, bám ruộng, theo sát hộ dân để tuyên truyền nhưng diện tích trà xuân sớm không những không giảm mà còn tiếp tục tăng lên.

Đến nay, toàn thành phố đã có khoảng 80 ha đã gieo và chuẩn bị mạ với giống IR 1820. Nhiều nông dân thành phố bày tỏ, họ muốn sản xuất trà xuân sớm, hoàn tất nhanh công việc trên đồng ruộng để dành thời gian đi làm nghề phụ với thu nhập khá hấp dẫn vào dịp áp tết. Nông dân không mặn mà với nghề nông, đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ và không đồng đều về chân đất là những khó khăn lớn đặt ra cho chính quyền và ngành chức năng thành phố trong việc thực hiện xóa bỏ trà xuân sớm.

Xã Thạch Liên (Thạch Hà) cũng là địa phương có diện tích mạ 1820 lớn

Xã Thạch Liên (Thạch Hà) cũng là địa phương có diện tích mạ 1820 lớn

Cũng với tinh thần chỉ đạo kiên quyết, những ngày qua, huyện Thạch Hà phối hợp với chính quyền các địa phương bám sát thực tiến sản xuất và chủ động can thiệp đối với những diện tích lúa trà xuân sớm được gieo cấy. Với việc tập trung vận động và áp dụng các biện pháp hành chính, đã có hơn hàng ngàn m2 mạ, tương đương với 100 ha lúa giống IR1820 ở các xã Phù Việt, Tượng Sơn, Thạch Tân được nhân dân tự phá bỏ. Tuy nhiên, hiện nay ở xã Thạch Liên, có 13.000m2 mạ, tương đương khoảng 26 ha lúa cấy trà xuân sớm đã được bắc và hàng chục ha đất đã cày bừa kỹ để gieo thẳng lúa xuân sớm; một số xã khác như Thạch Long, Thạch Thắng, Thạch Khê cũng đã xuống giống IR1820. Dù đã tập trung toàn lực cho khoảng thời gian cao điểm này, nhưng toàn huyện dự kiến sẽ còn hàng trăm lúa xuân sớm trong vụ sản xuất đầu tiên thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi trà lúa này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast