Công nghiệp - TTCN Hà Tĩnh: Lộ trình vươn xa

(Baohatinh.vn) - Trên cơ sở những định hướng phát triển KT-XH các cấp và thực tiễn tình hình CN-TTCN thời gian qua, con đường phát triển công nghiệp Hà Tĩnh được kiến thiết hoàn chỉnh bằng quy hoạch phát triển CN-TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Quy hoạch 504) phê duyệt vào tháng 1/2015. Đây sẽ là “đường ray” định hướng, hỗ trợ để Hà Tĩnh trở thành Trung tâm công nghiệp miền Trung năm 2020.

Dấu ấn nhiệm kỳ 2010-2015 (Bài 7):

Quy hoạch 504 được xây dựng trên cơ sở các dự án lớn trong tỉnh cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động đúng kế hoạch đề ra. Do đó, lộ trình này có nhiều khả năng thực hiện, vừa thể hiện quyết tâm chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, vừa kết hợp hài hòa giữa các lĩnh vực trong ngành, giữa khai thác lợi thế về tài nguyên để dần chuyển sang chủ động đầu tư, có thời gian chuẩn bị xúc tiến đầu tư. Theo quy hoạch, các dự án đầu tư công nghiệp lớn trên địa bàn sẽ tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp, đưa giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2020 lên 200 - 220 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ngành công nghiệp đạt khoảng 53%/năm. Năm 2020, ngành công nghiệp đạt giá trị gia tăng gần 50 nghìn tỷ đồng, mức đóng góp vào GDP của tỉnh đạt khoảng 70 - 73%.

“Quy hoạch 504 là kết quả của sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở định hướng và thực tiễn. Báo cáo quy hoạch cũng thể hiện sự gắn kết giữa các mô hình phát triển tổng thể với phương án phát triển, cũng như nhu cầu nguồn lực cho từng ngành, lĩnh vực và vùng địa bàn theo giai đoạn, từ đó phân rõ thành 3 nhóm ngành với 3 chỉ tiêu cụ thể. Đặc biệt, tính hiện thực của Quy hoạch 504 rất rõ nét khi bám sát sự phát triển CN-TTCN để căn cơ đến từng sản phẩm”- ông Nguyễn Hiền Lương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Công nghiệp - TTCN Hà Tĩnh: Lộ trình vươn xa ảnh 1
Quy hoạch 504 định hướng phân bố không gian phát triển CN-TTCN đảm bảo kết hợp hài hòa giữa công nghiệp truyền thống và công nghiệp hiện đại. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất cơ khí ở cụm công nghiệp Trung Lương (TX Hồng Lĩnh).

Theo đó, Quy hoạch 504 chỉ rõ 3 nhóm ngành gồm công nghiệp chủ lực tạo phát triển đột phá (luyện kim, điện năng), công nghiệp nền tảng khai thác thế mạnh (chế biến nông, lâm sản; khai thác khoáng sản; cơ khí, chế tạo, đóng tàu, điện tử; sản xuất vật liệu xây dựng; bia, rượu, nước giải khát; dệt may, da giày) và công nghiệp tiền đề cho giai đoạn sau (hóa chất, nhựa, cao su; sản xuất, phân phối gas hóa lỏng; quản lý rác, nước thải; chế biến khác). Các nhóm ngành có thứ tự ưu tiên phát triển theo từng giai đoạn gắn với mỗi nhiệm vụ nhất định để khai thác và phát huy hết cơ hội phát triển.

Quy hoạch 504 còn định hướng phân bố không gian phát triển CN-TTCN theo vùng và làng nghề. Theo đó, có 29 làng nghề được quy hoạch nhằm đảm bảo kết hợp hài hòa giữa công nghiệp truyền thống và công nghiệp hiện đại và 3 vùng công nghiệp được xác định gồm vùng phía Bắc (TX Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà) phát triển vùng theo hướng đa ngành nghề; vùng trung tâm và phía Nam (TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) tập trung các ngành công nghệ cao, khai thác khu kinh tế và mỏ sắt Thạch Khê; vùng phía Tây (Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang và Hương Khê) tập trung phát triển theo hướng kinh tế nông - lâm nghiệp.

“Việc thực hiện Quy hoạch phát triển CN-TTCN tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cùng với triển khai các bản quy hoạch chuyên ngành khác sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế xã hội nhất định. Đó là hướng tới đạt được các mục tiêu như tác động dân số, giải quyết việc làm cho người lao động; đóng góp giá trị sản xuất, thay đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện vị thế của tỉnh trong công nghiệp vùng và cả nước...” - ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Sự vào cuộc đồng bộ

Quy hoạch 504 là “kim chỉ nam“ cho sự phát triển CN-TTCN trên địa bàn trong giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, việc đề ra giải pháp và tổ chức thực hiện đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, hòa hợp với các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện quy hoạch.

Theo đó, trước mắt, các giải pháp tập trung giải quyết các nội dung liên quan đến việc phổ biến, tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế trong việc xây dựng Hà Tĩnh trở thành trung tâm công nghiệp miền Trung đến toàn bộ cán bộ, nhân dân để tạo sự tin tưởng, chia sẻ, đồng thuận. Bên cạnh đó là tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế trọng điểm; rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và triển khai tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tạo sức bật và động lực mới cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Công nghiệp - TTCN Hà Tĩnh: Lộ trình vươn xa ảnh 2
Sản xuất bê tông ly tâm tại Xí nghiệp sản xuất bê tông Viết Hải

Ngoài các giải pháp trước mắt, việc thực hiện quy hoạch cần tính đến các giải pháp lâu dài về đầu tư và thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực... cho nên sự vào cuộc theo đúng chức năng nhiệm vụ của những sở, ban, ngành liên quan là điều vô cùng cần thiết cho quy hoạch đi vào thực tiễn.

Ông Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Xác định Quy hoạch 504 có liên quan trực tiếp đến ngành nông nghiệp ở việc phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản nên sở đã có phương án triển khai cụ thể để phục vụ nhiệm vụ phát triển chung. Đó là tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án tái sản xuất nông nghiệp; tháo gỡ khó khăn để phát triển cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu; sản xuất theo hướng VietGap; giám sát chất lượng an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm...”.

“Là đơn vị “đầu tàu” trong việc thực hiện quy hoạch, Sở Công thương sẽ chủ động chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai, rộng rãi và kiểm tra, giám sát, quản lý việc thực hiện quy hoạch. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch theo đúng lộ trình, trong đó, chú trọng công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tăng cường thu hút đầu tư các dự án công nghiệp đúng định hướng phát triển các nhóm ngành nghề đã được xác định trong quy hoạch” - ông Nguyễn Hiền Lương nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast