Đến 2019, Việt Nam không còn được vay ưu đãi từ ADB

Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2016 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam trong năm 2016 sẽ tiếp tục ổn định với mức tăng trưởng 6,7%, sau đó sẽ tăng trưởng chậm hơn.

Đến 2019, Việt Nam không còn được vay ưu đãi từ ADB ảnh 1

Theo ADB, việc phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam cần được ưu tiên. Ảnh: H.Dịu

Trong báo cáo được ADB công bố ngày 30-3, ADB đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục được duy trì ổn định do vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng cao, niềm tin của người tiêu dùng và tín dụng cùng sự hỗ trợ từ các chính sách tài chính, tiền tệ và động lực thúc đẩy của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Về lạm phát, ADB dự báo lạm phát tăng lên trung bình 1,3% trong 3 tháng đầu năm, nhưng sẽ đạt 3% trong cả năm, năm 2017, lạm phát tăng lên mức 4%. Nguyên nhân chủ yếu do giá nhiên liệu và lương thực đều giảm.

Tuy nhiên, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho hay, năm 2016, giá cả hàng hóa thế giới bắt đầu tăng trở lại, cầu trong nước tăng, tỷ giá tiền đồng giảm 5% so với đồng USD nên mức lạm phát sẽ tăng trong năm tiếp theo.

Mặc dù ADB đưa ra những dự báo tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu nhiều thách thức trong những năm tới.

Theo đó, kinh tế Việt Nam trong năm 2016-2017 sẽ chịu những bất ổn từ thị trường toàn cầu và những tăng trưởng chậm chạp ở một số quốc gia là đối tác thương mại lớn. Vì thế, ADB hy vọng Việt Nam chú trọng hơn đến việc tăng cường tình bền vững tài khóa và củng cố cơ sở dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh đó, về dài hạn, báo cáo của ADB chỉ ra những hạn chế của Việt Nam trong việc tăng trưởng năng suất và việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì thế, ông Eric Sidgwick cho rằng, trọng tâm là Chính phủ phải đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cũng như tiếp tục các biện pháp tăng cường hệ thống ngân hàng, bao gồm việc xử lý khối nợ xấu còn tồn đọng và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện nợ xấy mới. Vì nợ xấu sẽ tiếp tục cản trợ sự hình thành một khu vực tài chính hiệu quả và toàn diện.

Đặc biệt, tại buổi công bố báo cáo, ông Eric Sidgwick cho rằng, Việt Nam đang được hưởng lợi từ các nguồn vốn vay của ADB, trong đó có vốn vay ưu đãi (ADF). Qua phân tích đánh giá khả năng tiếp tục được vay vốn của Việt Nam từ mức thu nhập quốc dân và độ tin cậy tín dụng, ADB nhận thấy Việt Nam đã vượt ngưỡng thu nhập quốc dân được phép cho vay của ADB từ năm 2010. Do đó, đến một thời điểm nhất định, Việt Nam sẽ không được vay vốn ưu đãi từ quỹ ADF nữa.

“Theo tính toán, có thể đến ngày 1-1-2019, Việt Nam sẽ không được vay từ ADF”, ông Eric Sidgwick nói.

Tuy nhiên, ADB hiện có nguồn vốn vay thương mại (OCR), lãi suất cao hơn nhưng kỳ hạn dài hơn, nhưng vẫn thấp hơn so với các tổ chức tài chính quốc tế khác nên Việt Nam vẫn cò thể vay từ nguồn này.

Theo Báo Hải quan

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast