Địa phương không có nợ quá hạn mới được phép bội chi

Rất nhiều nội dung mới về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) đã được Bộ Tài chính quy định trong Thông tư số 91/2016/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2017, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2020 và cũng là năm bắt đầu thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước mới.

dia phuong khong co no qua han moi duoc phep boi chi

Chi đầu tư phát triển gồm cả nguồn từ TPCP và xổ số

Cùng với quy định về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2016, Thông quy định về xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2017 của trung ương và địa phương.

Về dự toán thu, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN trên GDP năm 2017 khoảng 20-21%. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 13 - 15% so với ước thực hiện năm 2016 (loại trừ yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với ước thực hiện năm 2016.

Về dự toán chi NSNN, Thông tư nêu rõ, từ năm 2017, dự toán chi đầu tư phát triển (ĐTPT) nguồn NSNN bao gồm cả đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.

Khi xây dựng dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN, các bộ, ngành và địa phương cần chi tiết các lĩnh vực và sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên: (i) bố trí vốn hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu, dự án có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội; (ii) vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư; xử lý nợ đọng XDCB và thu hồi vốn ứng trước; (iii) phần còn lại mới bố trí cho các dự án khởi công mới nếu có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Từ năm 2017, chi dự trữ quốc gia là một nội dung chi NSNN, nằm ngoài chi ĐTPT.

Về xây dựng dự toán chi thường xuyên, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị sử dụng NSNN lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm. Dự toán chi quản lý hành chính được xây dựng gắn với lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo Nghị định 16 của Chính phủ, đẩy mạnh triển khai cơ chế tự chủ với đơn vị sự nghiệp công lập, tính toán cụ thể khả năng tăng thu của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc từng lĩnh vực để giảm mức hỗ trợ từ NSNN. Trên cơ sở đó, xác định khả năng dành nguồn để tăng chi hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách để được thụ hưởng các dịch vụ công thiết yếu, tăng chi cho các nhiệm vụ không có nguồn thu, qua đó cơ cấu lại chi ngân sách của từng lĩnh vực và từng bước tái cơ cấu chi NSNN.

Thu ngân sách địa phương được hưởng 100%

Về xây dựng dự toán ngân sách địa phương (NSĐP), ngoài các quy định hướng dẫn chung về công tác lập dự toán NSNN, Thông tư nhấn mạnh việc lập, xây dựng dự toán NSĐP cần chú ý một số nội dung chủ yếu.

Cụ thể, về xây dựng dự toán chi NSĐP, căn cứ dự toán thu NSNN trên địa bàn, thu NSĐP được hưởng 100% theo quy định của Luật NSNN năm 2015, mức chi cân đối NSĐP theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để xác định tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương (NSTƯ) và NSĐP.

Đồng thời, các địa phương bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA trên địa bàn; chủ động tính toán, bố trí nguồn để xử lý dứt điểm các khoản nợ XDCB, các khoản nợ huy động phải trả khi đến hạn.

Từ năm 2017, nguồn thu từ xổ số kiến thiết này được tính trong dự toán thu cân đối NSĐP, sử dụng cho chi ĐTPT trong đó, các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên bố trí tối thiểu 60%, các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL bố trí tối thiểu 50% để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề và y tế.

Về bội chi NSĐP, căn cứ giới hạn dư nợ vay theo quy định của Luật NSNN, dự kiến mức dư nợ thực tế đến hết năm 2016 và nhu cầu huy động vốn thêm cho ĐTPT và bố trí nguồn trả nợ, các địa phương đề xuất mức bội chi ngân sách cấp tỉnh năm 2017.

Căn cứ giới hạn dư nợ công, khả năng huy động vốn trong nước bố trí nguồn trả nợ, Bộ Tài chính sẽ đề xuất mức bội chi NSNN nói chung, trong đó có mức bội chi của NSTƯ và bội chi của ngân sách tất cả các địa phương, mức bội chi của từng địa phương (nếu có), để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật NSNN năm 2015.

Cùng với việc đề xuất phương án bội chi NSĐP, các địa phương cần xác định tổng mức vay của NSĐP, bao gồm vay để bù đắp bội chi NSĐP và vay để trả nợ gốc của NSĐP. Trong đó, bội chi NSĐP được bù đắp từ các nguồn sau: Vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vay trong nước khác theo quy định; Vay từ nguồn Chính phủ vay về cho NSĐP vay lại ; Vay để bù đắp bội chi ngân sách theo quy định không bao gồm số vay để trả nợ gốc;

Địa phương chỉ được phép bội chi để đầu tư dự án trong kế hoạch trung hạn

Ngân sách cấp tỉnh từng địa phương được phép bội chi khi đáp ứng đủ các quy định và điều kiện sau: Chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND dân cấp tỉnh quyết định; Bội chi ngân sách cấp tỉnh hằng năm không vượt quá mức được Quốc hội quyết định cho từng địa phương; Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm ngân sách trước, không phát sinh nợ quá hạn với các khoản nợ vay phải thanh toán trong năm ngân sách trước. Trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Vay bù đắp bội chi NSĐP được huy động chủ yếu từ các khoản vay trung và dài hạn. Hằng năm, căn cứ diễn biến thị trường vốn, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội quy định tỷ lệ tối thiểu các khoản vay bù đắp bội chi NSĐP có thời hạn vay trung và dài hạn;

Số dư nợ NSĐP được xác định bao gồm dư nợ từ các nguồn vay: Vay Kho bạc Nhà nước, vay Ngân hàng phát triển Việt Nam, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư cũng quy định nguồn chi trả nợ gốc các khoản vay, gồm: Số vay để trả nợ gốc được Quốc hội, HĐND cấp tỉnh quyết định hằng năm; Bội thu NSĐP cấp tỉnh ; Kết dư NSTƯ và NSĐP theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật NSNN; Tăng thu, tiết kiệm chi so với dự toán trong quá trình chấp hành NSNN theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 59 Luật NSNN...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2016./.

Theo Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast