“Điểm nghẽn” trong giao đất, giao rừng

(Baohatinh.vn) - Sai đối tượng, trái thẩm quyền, cấp quá hạn mức, mua bán, chuyển nhượng trái phép... Sự tùy tiện trong quản lý đất rừng nhiều năm qua đang tạo nên những mâu thuẫn tồn tại dai dẳng tại nhiều địa phương. Lộ trình thực hiện giao đất, giao rừng theo Đề án 3592 của UBND tỉnh cũng vì vậy đang gặp nhiều khó khăn. Thách thức đặt ra từ thực tế đã gây nên sự lúng túng cho các địa phương, đơn vị.

Theo kế hoạch, trong 2 năm 2014-2015, Hà Tĩnh sẽ phải giao 68.000 ha đất rừng cho các hộ dân sống gần rừng. Đây là khối lượng công việc lớn, liên quan đến quyền và lợi ích của hàng ngàn hộ dân, nhiều chủ rừng nhà nước và một số doanh nghiệp. Quá trình thực hiện đề án nảy sinh hàng loạt vướng mắc, khi nhiều diện tích đất rừng trước đây được giao sai đối tượng, quá hạn mức; nhiều diện tích thuộc diện tranh chấp kéo dài, thậm chí được chuyển nhượng, mua bán trái phép với hồ sơ tài liệu không rõ ràng...

“Điểm nghẽn” trong giao đất, giao rừng ảnh 1
Cán bộ xã Hòa Hải (Hương Khê) đang chỉ thực địa vùng đất rừng quy hoạch để giao cho dân nhưng không thực hiện được do quá xa khu dân cư và địa hình phức tạp. Ảnh: Tiến Dũng

Tại huyện Hương Khê, có những đơn vị như Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Ngàn Sâu giao tới 152,79 ha cho 7 trường hợp; BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm giao 568 ha cho 18 trường hợp. Cá biệt, ông Phạm Mạnh Tường - Giám đốc Công ty TNHH Vạn Thành (thị trấn Hương Khê) được giao 105,6 ha; ông Phạm Lê Huân – Giám đốc Công ty TNHH Thành Tâm (thị trấn Hương Khê) 133,2 ha - lớn hơn mức bình quân 4-5 lần. Có thời kỳ, đây được xem là những mô hình lớn về phát triển kinh tế vườn rừng thì nay lại là “điểm nghẽn” trong thực hiện lộ trình giao đất, giao rừng.

Ông Nguyễn Huy Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cơ quan thường trực thực hiện đề án giao đất, giao rừng của UBND tỉnh khẳng định, đây là những sai sót thuộc về lịch sử, việc thu hồi được xem là điều kiện bắt buộc để thực hiện lộ trình giao đất, giao rừng cho các hộ dân sống gần rừng. Thế nhưng, việc thu hồi không đơn giản, khi các hộ nhận khoán trước đây đã đầu tư lớn về công sức lẫn tiền bạc cho mục tiêu kinh doanh dài hạn.

Một ví dụ: cánh rừng rộng hơn 100 ha của ông Phạm Lê Huân được BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm giao theo Nghị định 135 cách đây 7 năm, nay đã được phủ kín keo lá tràm. Một phần diện tích có cây rừng tự nhiên được khoanh nuôi, bảo vệ. Hiện nay, nếu thực hiện theo Đề án 3592 của UBND tỉnh thì phần lớn diện tích đất rừng của ông Huân sẽ bị thu hồi để giao lại cho các hộ dân xã Phú Gia. Ông Huân cho rằng, với chủ trương thu hồi của Nhà nước, ông không thể không chấp hành. Thế nhưng, việc thu hồi chỉ có thể được thực hiện khi tài sản đầu tư trên đất phải được tính toán đền bù đầy đủ, đúng quy định pháp luật.

“Trong quá trình nhận khoán, Công ty TNHH Thành Tâm đã đầu tư tiền tỷ xây dựng kế hoạch sản xuất cho hàng chục năm. Ngoài thống kê cụ thể về tiền bạc, còn có hàng loạt chi phí cơ hội và chi phí vô hình rất khó đong đếm” - ông Huân cho biết thêm.

Tính toán phương án đền bù đã khó, việc thực hiện đền bù lại còn khó hơn khi đối tượng được giao là người dân sống gần rừng. Đây chủ yếu là những lao động có điều kiện kinh tế bình thường, thậm chí, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Số tiền đền bù có thể lên đến hàng trăm triệu đồng là thách thức quá lớn. Người dân chưa kịp bám đất, bám rừng thì lại kiệt quệ vì rừng. Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Huy Lợi thì đất rừng cấp sai trước đây sẽ được thu hồi và giao lại cho các hộ dân. Nếu không thỏa thuận được mức giá đền bù tài sản trên đất cho chủ rừng cũ, hoặc không đủ năng lực chi trả thì phần đất thu hồi vẫn thuộc về chủ rừng cũ nhưng với điều kiện chủ rừng cũ sẽ phải thuê lại đất rừng. Như vậy, thay vì nhận giao khoán từ các BQL rừng phòng hộ như trước đây thì nay, các chủ rừng sẽ phải thuê lại đất từ người dân, cho dù đối tượng canh tác vẫn không thay đổi.

Tuy nhiên, đề xuất này gây không ít băn khoăn cho chính quyền địa phương và cả những người trong cuộc. Ông Phạm Lê Huân khẳng định: Không lý do gì cá nhân ông phải thuê lại đất rừng vốn đã được giao cho mình. Nếu việc giao khoán trước đây sai thì người giao phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ cái sai của các BQL rừng phòng hộ lên đầu doanh nghiệp. Cùng chung quan điểm, ông Ngô Xuân Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho rằng: Cần làm rõ trách nhiệm của các BQL rừng phòng hộ trước đây, thậm chí, nếu có dấu hiệu cố ý làm trái, tư lợi cá nhân trong việc giao khoán thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Cũng theo ông Ninh, không thể bắt những người dân sống gần rừng phải làm thuê cho những người sống xa rừng vì không có đất, trong khi trên danh nghĩa, họ là những ông chủ.

Đến thời điểm hiện tại, 86% diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở Hương Khê đang thuộc về 8 chủ rừng. Phần ít ỏi còn lại hoặc là do chính quyền địa phương tạm thời quản lý, hoặc là giao cho các hộ dân. Trong số đó, rất nhiều người vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều đó cho thấy, đang có sự bất công cho những người dân sống gần rừng và nhu cầu có đất để sản xuất là một nhu cầu chính đáng của họ.

Trong bối cảnh đất rừng ngày càng tăng giá thì những mâu thuẫn nảy sinh từ đất rừng cũng đang gia tăng. Ở Hương Khê, những tiểu khu: 226, 227 (Lộc Yên); 241B (Hương Xuân); 192 (Hòa Hải)... nhiều năm qua tranh chấp đã tồn tại dai dẳng. Những vụ xô xát, đâm chém vì tranh chấp đất rừng đã xảy ra; nhiều vụ cháy rừng, cơ quan điều tra không loại trừ nguyên nhân phá hoại. Thậm chí, có những vụ cháy, lực lượng tại chỗ là nhân dân địa phương hoàn toàn đứng ngoài cuộc.

Qua đó cho thấy, việc quản lý đất rừng phải được rà soát, tính toán căn cơ, bài bản. Thực hiện đề án giao đất, giao rừng chính là cơ hội để tổng rà soát lại đất rừng, sửa sai cho những quyết định giao khoán tùy tiện của các địa phương, đơn vị trước đây. Quá trình rà soát, thu hồi sẽ phải tính đến những phương án cụ thể cho từng trường hợp, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa cộng đồng với doanh nghiệp, nếu không sẽ phát sinh mâu thuẫn mới trong khi mâu thuẫn cũ vẫn chưa được giải quyết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast