Dừng gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng - Dư luận “nổi sóng”

(Baohatinh.vn) - Ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước có công văn hỏa tốc gửi các ngân hàng yêu cầu dừng ký hợp đồng mới với chương trình cho vay mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng từ ngày 31/3. Sau khi có thông báo này, trong những ngày qua, người dân, cán bộ một cửa, cán bộ các ngân hàng phải “vắt chân lên cổ” để hoàn thành các hồ sơ vay vốn trước khi hết hạn.

Người dân, cán bộ một cửa, cán bộ các ngân hàng phải “vắt chân lên cổ” để hoàn thành các hồ sơ vay vốn trước khi hết hạn. (Ảnh minh hoạ từ internet)

Người dân, cán bộ một cửa, cán bộ các ngân hàng phải “vắt chân lên cổ” để hoàn thành các hồ sơ vay vốn trước khi hết hạn. (Ảnh minh hoạ từ internet)

Thực hiện chỉ đạo này, có ngân hàng chấm dứt ký hợp đồng từ ngày 28/3, một số ngân hàng chạy nước rút trong 2 ngày để hoàn thành thủ tục cho những khách hàng đã gửi hồ sơ. Chạm mốc 31/3, vẫn còn không ít người đang thi công nhà mà chưa kịp ký hợp đồng vay vốn giá rẻ rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Gói vay hỗ trợ nhà ở một lần nữa lại “nổi sóng” dư luận bởi không ít những băn khoăn.

Khởi động từ tháng 6/2013 với mục tiêu ban đầu là kích cầu thị trường bất động sản, sau 1 năm đầu giải ngân ì ạch, chương trình hỗ trợ nhà ở được điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng đối với người thu nhập thấp, cán bộ, công nhân, người công tác ở lực lượng vũ trang làm mới và sửa chữa nhà ở. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 10/3, gói cho vay hỗ trợ nhà ở đã giải ngân 21.321 tỷ đồng và đã cam kết cho vay tới 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng. Nhìn nhận lại chính sách, có thể khẳng định gói hỗ trợ này đã góp phần kích cầu thị trường bất động sản và đáp ứng đnhu cầu cấp thiết về nhà ở của người thu nhập thấp.

Đầu tháng 3/2016, Ngân hàng Nhà nước chính thức thông tin số tiền giải ngân sau ngày 31/5 sẽ phải áp dụng lãi suất thông thường. Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hàng ngàn khách hàng sẽ không thi công kịp tiến độ để được giải ngân nguồn vốn rẻ. Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước vừa kiến nghị Thủ tướng kéo dài thời gian giải ngân đến lúc hết số tiền 30.000 tỷ đồng.

Trong khi dư luận đang chờ đợi giải pháp chính thức từ Chính phủ về thời hạn giải ngân thì ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu ngừng ký hợp đồng mới theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở từ ngày 31/3 vì số tiền cam kết cho vay đã vượt mốc 30.000 tỷ.

Bức xúc tăng lên khi một số người đã triển khai thi công nhưng chưa kịp hoàn thành thủ tục vay vốn. 2 ngày chạy nước rút với rất nhiều hồ sơ đang tồn đọng, sẽ có những ngôi nhà dang dở thi công mà không thể kịp cơ hội nguồn vốn rẻ như dự kiến ban đầu.

Thực ra, đây chỉ là những thông tin cụ thể được đưa ra dựa trên diễn biến thực tế đối chiếu với những quy định từ Thông tư 11/2013/TT-NHNN đã ban hành từ ngày 15/5/2013 để hướng dẫn về quy chế cho vay hỗ trợ nhà ở. Thông tư nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng tái cấp vốn (để hỗ trợ lãi suất - PV) khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30.000 tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực (thời hạn cuối cùng là ngày 1/6/2016). Quy định này đã được các ngân hàng thương mại áp dụng và thể hiện trên các hợp đồng vay vốn chương trình hỗ trợ nhà ở. Như vậy, người vay vốn đã không tìm hiểu kỹ hợp đồng với ngân hàng trước khi ký.

Điều đáng nói là đối tượng của gói vay này phần lớn đều là người có tri thức, đủ điều kiện để tiếp cận thông tin. Nếu có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng hơn, nhiều khách hàng đã không tự đưa mình vào tình cảnh lo lắng như “ngồi trên đống lửa”.

Sự bị động cũng thể hiện ở cả những cơ quan thiết kế, điều hành chương trình và các ngân hàng tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở. Trong suốt quá trình gần 3 năm thực hiện chương trình, đặc biệt là khi nó đã gần về đích với nhiều vấn đề sẽ nảy sinh, hầu như không có những thông tin mang tính định hướng, tư vấn đối với người vay và ngân hàng cho vay. Thiếu sự sâu sát, phân tích và dự báo, kiến nghị của ngành chức năng, chính sách cứ tự nó diễn biến, đến thời hạn là kết thúc.

Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại hầu như chạy theo nhu cầu khách hàng, thiếu sự nhạy bén trong nhìn nhận thực tiễn để tư vấn, hỗ trợ họ một cách hiệu quả nhất. Hệ quả là chính ngân hàng và khách hàng cùng bị động trước thông tin, cùng “vắt chân lên cổ” làm hợp đồng, đẩy nhanh giải ngân mà vẫn nơm nớp lo không kịp thời hạn...

“Nóng” với những thông tin liên quan đến gói vay 30.000 tỷ, điều mong mỏi gửi đến Chính phủ và các cơ quan liên quan là làm thế nào để chính sách kết thúc trọn vẹn với những dư âm tốt đẹp. Và người có thu nhập thấp tiếp tục chờ đợi một chương trình hỗ trợ dài hơi hơn, chiến lược hơn để có thể an cư, lạc nghiệp...

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast