Đường nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Năm 2013 khép lại, toàn tỉnh đã nâng cấp và làm mới hơn 1.000 km đường giao thông nông thôn (GTNT) đáp ứng tiêu chí nông thôn mới (NTM), tạo động lực không nhỏ trong phát triển KT-XH của tỉnh. Thành quả có được là nhờ việc huy động tổng hợp các nguồn lực, trong đó không thể không nhắc đến vai trò “kết nối” của Sở GTVT.

Bộ mặt các xã nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp

Bộ mặt các xã nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp

1.045 km đường GTNT với tổng số vốn đầu tư tương ứng 1.000 tỷ đồng là thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh. Trong đó, có xấp xỉ 106 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, hơn 63 tỷ đồng từ các huyện; xấp xỉ 100 tỷ đồng ngân sách xã và 377,88 tỷ đồng huy động nhân dân đóng góp; số còn lại là tranh thủ nguồn vốn từ T.Ư và các dự án lồng ghép khác.

Điều đáng nói, trong số hơn 1.000 km, có 662 km được tỉnh cấp từ 30-60% xi măng. Trong khi các tỉnh, thành khác mức hỗ trợ xi măng chỉ mang tính tượng trưng, thì Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ mức tối đa 60% để các xã có điều kiện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí GTNT trong xây dựng NTM. Cũng vì lẽ đó, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những tỉnh tiên phong trong chương trình mục tiêu xây dựng NTM. 2013 là năm thứ 5 liên tiếp, cán bộ và nhân dân Hà Tĩnh được Chính phủ, Bộ GTVT tặng cờ thi đua xuất sắc và bằng khen trong phong trào toàn dân làm GTNT.

Bên cạnh những đóng góp của người dân, chính quyền các xã, còn có sự chung tay góp sức của ngành GTVT tỉnh nhà. Ngay từ đầu năm, với vai trò chủ công, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phát động phong trào toàn dân làm GTNT theo tiêu chí NTM. Đồng thời xây dựng đề án trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng để nhân dân làm đường GTNT. Theo đó, các xã xây dựng NTM nhận được mức hỗ trợ tối đa 60% khối lượng xi măng để làm đường. Cùng với đó, Sở GTVT còn cung cấp hồ sơ thiết kế mẫu cho các địa phương thực hiện đúng quy mô kỹ thuật đường GTNT theo tiêu chí NTM của Bộ GTVT; hướng dẫn các địa phương về việc phân loại đường, quy trình thực hiện trong xây dựng và quản lý bảo trì đường GTNT trên địa bàn toàn tỉnh.

Để đạt hiệu quả cao, Sở GTVT còn thành lập tiểu BCĐ thực hiện chương trình xây dựng NTM ngành GTVT; phân công các thành viên trong Ban Giám đốc và các phòng, ban trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo các địa phương, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác làm GTNT. Trong các tiêu chí xây dựng NTM thì tiêu chí GTNT cần rất nhiều nguồn vốn; đặc biệt cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và đồng thuận của nhân dân. Bởi vậy, bên cạnh nguồn vốn huy động từ đóng góp của nhân dân theo phương châm “GTNT là công trình của dân, do dân làm, do dân kiểm tra”, chính quyền các huyện còn tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, các bộ, ngành; lồng ghép có hiệu quả từ các chương trình dự án. Nhờ vậy, diện mạo GTNT các địa phương có nhiều khởi sắc, tạo điểm nhấn trong phát triển KT-XH.

Đối với công tác quản lý chất lượng công trình, tỉnh đã phân cấp đầu tư cho các huyện, thành, thị từ duyệt thiết kế dự toán đến nghiệm thu thanh quyết toán. Sở GTVT là cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm cung cấp thiết kế mẫu các loại đường, định mức vật tư, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ kỹ thuật. Khi thi công công trình, ngoài sự giám sát của cơ quan chuyên môn, còn có sự giám sát của các đoàn thể ở cơ sở và cộng đồng, từ việc quản lý vật tư đến việc thanh quyết toán công trình.

Vì vậy, chất lượng hầu hết các công trình đều được đảm bảo. Sau nghiệm thu, công trình bàn giao cho các khu dân cư quản lý sử dụng đều phát huy hiệu quả. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành đã quan tâm chú trọng phát triển GTNT theo quy hoạch, gắn với nâng cấp các tuyến đường hiện có; đồng thời phát triển giao thông đi đôi với quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất.

Thực hiện có hiệu quả phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương đã vận dụng linh hoạt quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung sức người, tiền bạc và trí tuệ của toàn dân để xây dựng, nâng cấp mạng lưới GTNT. Cơ chế làm đường bê tông xi măng theo hình thức Nhà nước cấp xi măng tới tận thôn, xóm, nhân dân đóng góp vật liệu, công xây dựng và hiến đất GPMB đã thực sự mang lại kết quả thiết thực. Mạng lưới GTNT trong tỉnh được nâng cấp, mở rộng, tạo động lực to lớn thúc đẩy KT-XH và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, giao lưu, buôn bán, giao thông; bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

“Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng đường GTNT đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch và chất lượng công trình cũng như lồng ghép linh hoạt các chương trình, các nguồn vốn trong việc xây dựng GTNT kết hợp với xây dựng NTM. GTNT chính là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng NTM, vì vậy, theo lộ trình đến hết năm 2020, các xã phải hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng NTM” - Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast