Giải pháp bảo đảm đời sống dân sinh vùng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê - một dự án mang tầm khu vực và là niềm hy vọng bao đời nay của người dân các xã vùng bài ngang Thạch Hà được triển khai, người dân ấp ủ hy vọng được “đổi đời”. Thế nhưng, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, dự án không được thực hiện theo đúng lộ trình. Đặc biệt, công tác GPMB, di dời, tái định cư chưa được triển khai hiệu quả. Vì thế, cuộc sống của người dân vùng dự án càng thêm cơ cực. Trước thực trạng đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành chức năng đã vào cuộc một cách quyết liệt và thời điểm này, dự án bắt đầu có những gam màu mới.

Nhiệm vụ cấp bách là bảo đảm đời sống dân sinh

Có thể nói, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là do thiếu vốn. Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) có 9 cổ đông sáng lập, trong đó Tập đoàn CN Than – Khoáng sản VN (TKV) chiếm tỉ lệ góp vốn lớn nhất (30%). Đến tháng 11.2011 tổng số vốn các cổ đông đóng góp mới đạt hơn 1.000 tỉ đồng, bằng 42,08% vốn điều lệ. Từ đó dẫn đến hàng loạt hệ luỵ là: Chậm tiến độ GPMB, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thiếu tiền xây dựng khu TĐC. Trước tình hình đó, tháng 7-2011, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tái cơ cấu Cty CP sắt Thạch Khê. Theo đó, Chính phủ giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, TCty Thép Việt Nam và TCty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh là doanh nghiệp nhà nước, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản làm nòng cốt để triển khai thực hiện tổ hợp hai dự án lớn: Khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê và nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm. Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN thoái vốn tại TIC. Đồng thời, TIC dừng việc bóc đất tầng phủ.

Ông Hồ Đức Bình - Tổng Giám đôc TIC trình bày báo cáo điều chỉnh Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nhật – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong quý I/2012, TIC hoàn thành thiết kế khả thi theo tinh thần thông báo 164/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời xây dựng xong quy hoạch, kế hoạch và thông báo công khai, rộng rãi cho nhân dân biết lộ trình khai thác từ năm 2012 – 2015, đến năm 2020 và từng năm để địa phương chủ động xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Việc hoàn thành phê duyệt thiết kế kỷ thuật là rất quan trọng vì đó là cơ sở để xây dựng lộ trình khai thác phù hợp, từ đó có phương án di dời, tái định cư hợp lý. Theo đó, khu vực nào bị ảnh hưởng thì có phương án di dời ngay, những nơi chưa ảnh hưởng mà chưa tái định cư thì tiếp tục để cho người dân được sinh sống, lao động, sản xuất bình thường. Thiết kế kỷ thuật này có 3 phần thì phần quan trọng nhất là thiết kế mỏ hiện đang được giao cho Công ty CP Thiết kế mỏ - công ty con của TKV đảm nhận, vì vậy không có lý do gì để chậm trễ nữa.

Ông Hồ Đức Bình - Tổng Giám đốc TIC cho biết: Đến thời điểm này việc tái cơ cấu cổ đông cơ bản đã hoàn tất. Hiện TKV đã được chuyển nhượng 19% từ các tập đoàn Vinashin, Sông Đà, VNPT, đang chờ Thủ tướng quyết định. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh thống nhất chuyển nhượng 2,7% cổ phần cho TKV để TKV có đủ 51%, trở thành cổ đông chi phối. Như thế, sẽ đáp ứng được nhu cầu về cổ phần để rót tiền vào triển khai nhanh dự án như TKV đã mong muốn. Hiện tại, khoản tiền chuyển nhượng vốn gần 66,8 tỷ đồng của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã được chuyển về cho TIC. Cùng với gần 52 tỷ đồng vốn chuyển nhượng của Vinashin, trước tết TIC sẽ có gần 120 tỷ để giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt.

Và nhiệm vụ cấp bách nhất của TIC khi đã có vốn trong tay sẽ là thanh toán các khoản nợ và xây dựng hoàn thành một số khu TĐC, nghĩa trang, đền bù cho các hộ dân gần khu vực moong mỏ, bãi thải và sửa chữa các tuyến đường giao thông vùng mỏ. Đặc biệt, trong thời điểm này, vấn đề đặt ra cho TIC và các ngành liên quan là đền bù, di dời diện tích nghĩa trang.

Hiện tại, tỉnh đã chỉ đạo TIC phải chắn lại bãi thải, không để gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Nhất là thực hiện phương án bảo vệ, duy tu các thiết bị, máy móc vùng mong mỏ. Việc ngừng hoạt động chỉ là tạm thời, không được “bỏ hoang” vừa tổn thất về kinh tế vừa làm cho người dân hoang mang khi không biết dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có tiếp tục được triển khai hay không.

Những tín hiệu vui

Một tín hiệu vui đến với người dân là tháng 6.2011, Chính phủ đã có Quyết định số 946/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển bền vững KT-XH các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Tổng mức vốn đầu tư cho đề án khoảng 1.677 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư hỗ trợ có mục tiêu khoảng 399,5 tỉ đồng; ngân sách địa phương 725 tỉ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn 305 tỉ đồng; vốn hỗ trợ của Cty CP sắt Thạch Khê 247,5 tỉ đồng. Ông Nguyễn Nhật cho biết: “Hiện tại, đã có kế hoạch phân bổ nguồn vốn thực hiện Quyết định 946, sẽ triển khai ngay trong quý I năm 2012. Trong đó, chú trọng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và ngư nghiệp cho người dân, ưu tiên nhất đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian tới”.

Trên khai trường mỏ sắt Thạch Khê

Trong nỗ lực chia sẽ khó khăn với người dân, ngày 12-1, Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Minh Chuẩn và các thành viên đã vào Hà Tĩnh, đến với chính quyền và nhân dân 6 xã vùng bị ảnh hưởng bởi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) trao tặng 1.500 suất quà trị giá 450.000 đồng cho bà con nơi đây. Đây thực sự là tín hiệu tích cực đầu tiên mà bà con nhân dân hằng mong đợi. Sau 5 năm chịu biết bao khổ sở từ việc triển khai thực hiện dự án khai thác sắt, giờ đây họ mới được đón nhận sự quan tâm chia sẽ chính thức từ “nhân vật chính” của dự án. Món quà dù nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, người dân cảm thấy được an ủi phần nào để tiếp tục “chờ đợi, hy vọng” vào những kết quả của dự án này. Và, tín hiệu đó càng có ý nghĩa tích cực hơn khi ông Lê Minh Chuẩn cho biết: Ngay sau khi hoàn tất việc tái cơ cấu cổ đông theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TKV sẽ chỉ đạo TIC triển khai ngay các giải pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót trước đây. Đặc biệt là sẽ có giải pháp kịp thời giải quyết những khó khắn của người dân vùng bị ảnh hưởng.

Tiếp đó, TKV đã có phiên báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh tình hình triển khai thực hiện dự án “Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê”. Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Chuẩn thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, bất cập trong quá trình thự hiện dự án nên đã gây không ít khó khăn cho bà con nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Theo ông Chuẩn thì: “Một trong những lý do khiên cho dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê không đươc triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu là do ban đầu, nhiều nhà đầu tư tưởng dự án này dễ làm nên tham gia ngay. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, họ đã “ngãng” ra, rút lui và không tiếp tục góp vốn nữa. Theo tôi, phải xác định được đây là 1 dự án khó để xác định thế đứng và lộ trình khai thác phù hợp”. Tổng giám đốc hứa: “Với tư cách được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì Dự án và khi trở thành cổ đông chi phối, TKV cam kết sẽ khẩn trương thu xếp vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Dù khó khăn, TKV vẫn sẽ xác định ưu tiên vốn cho dự án này. Khi có tiền, sẽ chỉ đạo TIC ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách, đảm bảo đời sống dân sinh vùng moong mỏ”.

Lời kết

Như vậy, việc triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã có những bước chuyển biến tích cực, gam màu đã bắt đầu sáng lên. Vấn đề ở đây là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt nam sẽ thể hiện vai trò của mình như thế nào trên cương vị là cổ đông chi phối? Câu hỏi này được đặt ra bởi trước đây, TKV chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình.

Về tương lai của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, ông Nguyễn Nhật tin tưởng khẳng định: Không chủ quan với những rũi ro nhưng rõ ràng, việc thực hiện dự án này chắc chắn đạt hiệu quả cao. Ngoài các yếu tố lợi ích kinh tế, về mặt chiến lược, việc khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này sẽ giúp chúng ta chủ động được nguồn nguyên liệu, tránh tình trạng nhập siêu, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, khi dự án triển khai tốt sẽ tạo được công ăn việc làm, ổn định và phát triển đời sống cho người dân vùng hưởng lợi. “Vì vậy, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chắc chắn sẽ tiếp tục được triển khai” – ông Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast