Khai thác hợp pháp cát từ bãi thải của Công ty CP Sắt Thạch Khê

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, Báo Hà Tĩnh nhận được một số đơn thư phản ánh tình trạng khai thác trái phép cát trắng công nghiệp tại khu vực mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà). Để rộng đường dư luận, PV Báo Hà Tĩnh đã vào cuộc tìm hiểu vấn đề này...

Theo phản ánh của một số người dân, từ khoảng tháng 2/2015 đến nay, tại xóm 1 và xóm 2, xã Thạch Đỉnh (khu vực nằm trong diện tích dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê) xuất hiện nhiều đoàn xe khai thác trái phép cát trắng. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy có khá nhiều xe tải vận chuyển cát từ đây theo con đường riêng về xã Thạch Khê, rồi tỏa ra nhiều hướng.

Phản ánh vấn đề này đến Công ty CP Sắt Thạch Khê, Giám đốc Nguyễn Văn Sinh cho biết, vùng khai thác cát tại xóm 1, 2 - xã Thạch Đỉnh thuộc khu vực bãi thải, nằm trong diện tích quản lý của công ty. Ông Sinh nhấn mạnh, đây là bãi thải hỗn tạp do công ty bóc lớp đất tầng phủ từ mỏ sắt chứ không phải cát trắng. Về mặt pháp lý, công ty có quyền sử dụng hoặc bán lại cho đơn vị khác phục vụ hoạt động khai thác mỏ sắt.

Khai thác hợp pháp cát từ bãi thải của Công ty CP Sắt Thạch Khê ảnh 1

Một số hộ dân địa phương khai thác cát đắp nền nhà, làm đường nhưng khối lượng không đáng kể.

Hiện tại, công ty có ký hợp đồng bán lại bãi thải cho một số đơn vị, tuy nhiên, chỉ có Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Đại Thanh khai thác. Việc cát thải chất cao hàng chục mét trên diện tích hàng trăm ha, làm nhiều nơi bị ngập cát mỗi mùa lũ về; các trận bão, gió lốc cũng thổi cát vào ruộng vườn của các hộ dân gần khu vực này. Việc vận chuyển cát thải tại đây nhằm hạ độ cao bãi thải, giảm nguy cơ ngập cát.

Theo báo cáo của công ty, từ năm 2013-2015, riêng việc bán cát từ bãi thải đã nộp ngân sách nhà nước 619,5 triệu đồng thuế tài nguyên và 555,8 triệu đồng phí bảo vệ môi trường.

Ông Trương Hữu Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Đại Thanh cho biết: Việc khai khác cát thải chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, thường sử dụng vào mục đích rải nền các công trình xây dựng, lót đường… Công ty cũng mở đường riêng nên người dân gần khu vực mỏ sắt ít chịu ảnh hưởng của việc khai thác. Ông Thanh cũng khẳng định, Công ty Đại Thanh vẫn chưa có bãi tập kết, lượng cát thải được vận chuyển trực tiếp đến các công trình.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài khu vực Công ty Đại Thanh khai thác, một số hộ dân địa phương cũng lấy cát đắp nền nhà, làm đường nhưng chủ yếu khai thác thủ công và số lượng không đáng kể.

Như vậy, người dân phản ánh việc khai thác cát ở xóm 1, 2 - xã Thạch Đỉnh là đúng thực tế. Tuy nhiên, đây là hoạt động khai thác hợp pháp được thực hiện theo hợp đồng mua bán giữa Công ty CP Sắt Thạch Khê và Công ty TNHH Thương mại xây dựng Đại Thanh.

Khai thác hợp pháp cát từ bãi thải của Công ty CP Sắt Thạch Khê ảnh 2

Hợp đồng mua bán cát thải được ký kết giữa Công ty Sắt Thạch Khê và Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Đại Thanh

Liên quan đến phản ánh của bạn đọc về việc xuất hiện bãi tập kết cát tại khu vực bệnh viện đa khoa cũ (thôn Vĩnh Thịnh, xã Thạch Lạc), theo thông tin chúng tôi nắm được, đây là bãi cát của ông Trần Đình Huân (xã Thạch Hải, Thạch Hà). Ông Huân thuê đất từ UBND xã Thạch Lạc với diện tích 484 m2 thuộc khu vực quy hoạch đất ở tại nông thôn, sau đó, sử dụng vào mục đích làm bãi tập kết cát xây dựng công trình, thời hạn 5 năm (từ 31/8/2014 - 31/8/2019).

Việc UBND xã Thạch Lạc tự ý ký hợp đồng thuê đất nói trên vi phạm Khoản 3, Điều 59 Luật Đất đai năm 2013. Ngày 10/7/2015, UBND huyện Thạch Hà đã có công văn yêu cầu UBND xã Thạch Lạc khẩn trương chấm dứt hợp đồng, thanh lý hợp đồng thuê đất và yêu cầu hộ ông Trần Đình Huân phải di dời khu vực tập kết cát trắng.

Thời gian qua, huyện Thạch Hà đã quan tâm và có nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là tại khu vực mỏ sắt Thạch Khê. Gần đây, ngày 13/7/2015, UBND huyện đã ban hành Công văn số 1204/UBND yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước và nghiêm cấm khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đá trái phép trên địa bàn. Nếu để việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn thì chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện và pháp luật. Công an huyện, Chi cục Thuế, Phòng TN&MT phối hợp tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, phát hiện, tham mưu xử lý theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast