Khó khăn trong quản lý, vận hành cấp nước sinh hoạt

(Baohatinh.vn) - Tưởng rằng, nước sạch được lấy từ nguồn nước thiên nhiên rồi phân phối đến người tiêu dùng thì doanh nghiêp tha hồ... thu tiền, nhưng thực tế lại phản chiếu điều ngược lại. Bằng chứng cho thấy, từ năm 2014 lại nay, “điệp khúc” lỗ cứ lặp đi lặp lại tại Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh.

Chưa bao giờ khó khăn lại dồn dập đến với Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh như những năm gần đây. Năm 2014, công ty lỗ trên 4 tỷ đồng, đến hết năm 2015, lên đến gần 9 tỷ đồng. Dự án chống thất thoát, thất thu, đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước hoàn thành vào năm 2012 một mặt góp phần “giải khát” cho khoảng 8.000 hộ dân, mặt khác lại trở thành gánh nặng đối với công ty khi phải bắt đầu trả lãi 6 tỷ đồng/năm cho số tiền 118 tỷ đồng vay của Ngân hàng Thế giới.

kho khan trong quan ly van hanh cap nuoc sinh hoat

Công nhân Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh vận hành hệ thống điều tiết...

Có rất nhiều nguyên nhân tác động nhưng chủ yếu do liên tục 4 năm lại nay giá nước vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào có ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất như: điện, clo, phèn, vôi, nước thô, phí dịch vụ môi trường rừng lại tăng “chóng mặt”. “Giá nước sạch ở Hà Tĩnh hiện đang thực hiện bình quân trên 7.000 đồng/m3, nếu tính đúng, tính đủ, giá 11.500 đồng/m3 mới phù hợp. Bởi giá nước sạch ở các tỉnh phía Bắc là 10.300 đồng/m3; còn các tỉnh, thành phía Nam còn cao hơn nhiều” - Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh Phạm Quang Sơn nhấn mạnh.

Không dừng lại ở đó, việc triển khai thi công lắp đặt hệ thống cấp nước sạch cho các chủ đầu tư (xã, phường), đặc biệt là các xã xây dựng nông thôn mới không những không đạt được mục tiêu “kép”: tăng doanh thu, tạo việc làm cho người lao động, mà còn khiến công ty lâm vào cảnh khó khăn hơn. Nguyên nhân là do các địa phương dù không có vốn vẫn tiến hành thi công nên tổng số nợ đã lên đến 13,5 tỷ đồng. Và, không biết đến khi nào chủ đầu tư mới có tiền trả nợ? Trong khi đó, dịch vụ cấp nước tại khu vực nội thị bị bão hòa; còn phát triển ở vùng ven, vùng nông thôn mức độ dùng nước thấp nhưng chi phí đầu tư lại quá cao.

Bên cạnh tiếp nhận hệ thống cấp nước các huyện, chương trình nước sạch nông thôn do đầu tư không đồng bộ nên nhiều hạng mục đã xuống cấp; việc đô thị được mở rộng (làm đường, mương thoát nước) cũng khiến mạng lưới đường ống thường xuyên bị hư hỏng phải nâng cấp, sửa chữa. Ngoài việc thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, chất lượng nguồn nước thô ở các hồ cũng không đảm bảo khiến quá trình xử lý tốn kém hơn nhiều.

kho khan trong quan ly van hanh cap nuoc sinh hoat

...đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Tại hồ Bộc Nguyên hiện có 100 hộ dân sống xung quanh cùng các trang trại gia súc, gia cầm thả rông chưa di dời. Hàng ngày, đàn gia súc, gia cầm phóng uế chất thải xuống hồ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước thô đầu vào.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trước mắt, công ty đã đề nghị UBND tỉnh thực hiện lộ trình điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trong 3 năm liền kề từ 1/4/2016 đến 4/4/2019 để phù hợp với cam kết của UBND tỉnh với Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về phương án tiêu thụ nước sạch giai đoạn 2011-2031. Bên cạnh đó, đơn vị còn đề nghị, hàng năm, UBND tỉnh, các sở, ngành tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để tránh tình trạng thất thoát nước do đầu tư không đồng bộ; đồng thời, yêu cầu Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà phá bỏ các đập ngăn ở khe thượng nguồn hồ Đá Hàn (Cẩm Xuyên) để duy trì nguồn nước sinh thủy cấp cho hồ; hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do bón phân trồng cỏ nuôi bò tại khu vực này.

Hy vọng rằng, những đề xuất kiến nghị sớm được giải quyết để “điệp khúc” thua lỗ trong năm 2016 và những năm tiếp theo của Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh không còn diễn ra.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast