“Không phải doanh nghiệp bỏ tiền là được quyết định lập các trạm thu phí!”

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) về các trạm thu phí BOT, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định: Nhà nước không thả nổi dịch vụ này và không phải nhà đầu tư bỏ tiền ra thì có toàn quyền định ra mức thu phí cũng như lập các trạm thu phí.

“Không phải doanh nghiệp bỏ tiền là được quyết định lập các trạm thu phí!” ảnh 1
Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm. Ảnh Internet.

Người dân không vui

Về việc các trạm thu phí BOT mọc lên như nấm sau mưa, người dân cảm thấy như bị móc túi với nỗi bức xúc phí chồng phí, Bộ trưởng Bộ Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết: Phí BOT là để hoàn vốn cho nhà đầu tư bỏ tiền ra, để bảo trì, sửa chữa cho chính dự án đó. Còn phí thu trên đầu phương tiện (Quỹ Bảo trì đường bộ) là để bảo trì, sửa chữa những đường do Nhà nước đầu tư, không bao gồm dự án BOT, các đường chuyên dụng (vào cảng than, nhà máy thủy điện..). Như vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, không có việc phí chồng phí.

Theo ông: “Nếu chỉ ngồi chờ vào ngân sách thì còn rất lâu nữa chúng ta mới dám mơ tới những con đường hiện đại. Hình thức BOT thực sự là một lối thoát lâu dài, bởi nó tận dụng được sức mạnh của toàn nền kinh tế. Giàu có như Mỹ, châu Âu hay Singapore cũng huy động hình thức BOT để đầu tư cho hạ tầng”.

Tuy nhiên người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cũng bày tỏ chia sẻ với tâm trạng của người dân “không vui trước sự xuất hiện của các trạm thu phí trên những con đường đầu tư theo hình thức BOT”.

Mặc dù vậy, cũng phải nhìn nhận một cách công bằng, nhờ có những tuyến đường BOT mà người dân được tham gia giao thông ít thời gian hơn, an toàn hơn, sức khỏe tốt hơn. Chẳng hạn như đối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại, giảm khoảng 30% chi phí.

Hay như Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí. Đối với quốc lộ 14 (đoạn từ Pleiku - Cầu 110) tỉnh Gia Lai, lợi ích mang lại khoảng 244 tỷ đồng/năm, đối với quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông, lợi ích mang lại khoảng 104 tỷ đồng/năm…

Liên quan đến việc, có hay không các trạm thu phí BOT vẫn là gánh nặng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: “Tôi không tin việc thu phí tại các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT lại có thể làm tăng chi phí sản xuất (do chi phí vận tải tăng), so với việc lưu thông trên những con đường cũ kỹ chỉ phải đóng phí bảo trì thông thường. Tôi muốn dẫn chứng thêm dự án BOT vừa mới hoàn thành là cầu Cổ Chiên. Nhờ dự án này đã rút ngắn được 70 km cung đường từ Trà Vinh lên TP.HCM. Vì đường tốt, chạy tốc độ tối ưu nên sẽ tiết kiệm không chỉ xăng dầu, mà còn giảm chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa phương tiện, chi phí qua phà như trước đây”.

Do đó, vị Bộ trưởng mong người dân có một đánh giá toàn diện và khoa học hơn. “Tuy nhiên, chúng tôi nhận trách nhiệm là đã không tuyên truyền đến nơi đến chốn làm dư luận còn bức xúc về các trạm thu phí BOT. Không phải cái gì làm tốt cho dân là được đồng thuận ngay nếu tuyên truyền không tốt”.

DN không được tự ý quyết định

Dư luận gần đây cho rằng, việc các trạm thu phi dày đặc và mức phí quá cao cũng khiến người dân bức xúc.

Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, phí giao thông là số tiền người sử dụng phương tiện bỏ ra để mua chất lượng dịch vụ lưu thông. Những con đường cao tốc đầu tư theo hình thức BOT đều vào loại hiện đại, chi phí đầu tư rất lớn và chất lượng lưu thông cũng rất tốt.

Mặc dù vậy, từ trước đến nay, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, chúng ta không thả nổi dịch vụ này và không phải nhà đầu tư bỏ tiền, thậm chí rất nhiều tiền ra thì có toàn quyền định ra mức thu phí cũng như lập các trạm thu phí.

Nhà nước giữ vai trò quản lý và điều tiết, các nhà đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Nhà nước. Trong quá trình trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải đều có văn bản thỏa thuận với UBND tỉnh, các Bộ có liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT, trong đó có vấn đề thu phí qua trạm.

“Việc đặt trạm thu phí hoàn toàn làm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, trong đó quy định đối với quốc lộ, trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km giữa các trạm thu phí trên cùng tuyến đường, thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ Giao thông Vận tải phải thống nhất ý kiến với UBND tỉnh và Bộ Tài chính để quyết định. Không doanh nghiệp nào dám tự ý đặt trạm mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền”.

Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm thu phí BOT (mỗi trạm thu phí có một thông tư riêng của Bộ Tài chính quy định chi tiết). Trên cơ sở như vậy, nhà đầu tư sẽ tổ chức thực hiện.

Do đó, không có chuyện nhà đầu tư “thả sức thu phí”, mà phải chịu sự giám sát chặt chẽ không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn của toàn xã hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Theo Báo Hải quan

Đọc thêm

Xuất nhập khẩu qua Cầu Treo chưa hết khó!

Xuất nhập khẩu qua Cầu Treo chưa hết khó!

Trong bối cảnh xuất nhập khẩu giảm, ngay đầu năm 2025, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn – Hà Tĩnh) đã nỗ lực khơi thông dòng chảy hàng hóa để thu ngân sách.
Hải sản đầy kho phục vụ thị trường tết

Hải sản đầy kho phục vụ thị trường tết

Xác định dịp cuối năm âm lịch là mùa “ăn nên làm ra” nên thời điểm này, các cơ sở chế biến hải sản ở Hà Tĩnh tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Ngắm những chậu lan "khủng" đón Tết Ất Tỵ ở Hà Tĩnh

Ngắm những chậu lan "khủng" đón Tết Ất Tỵ ở Hà Tĩnh

Những chậu hoa lan hồ điệp Đà Lạt có giá từ vài triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng được các nghệ nhân thiết kế, sáng tạo với kích thước "khủng", đa dạng nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.