Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng khu vực giáp ranh

(Baohatinh.vn) - Ngoài có đường biên giới chung với Khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Nakai Nam Theun thuộc tỉnh Bô-ly-khăm-xay và Khăm-muộn của nước bạn Lào thì Hà Tĩnh còn có nhiều diện tích rừng giáp ranh với Quảng Bình. Dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các khu vực này những năm gần đây đã được các chủ rừng, địa phương và cơ quan chức năng quan tâm hơn. Nhờ đó, tình hình khai thác, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng lâm sản trái phép đã dần yên ắng, các vụ việc nổi cộm ngày càng được hạn chế...

Rừng giáp ranh là khu vực rừng nhạy cảm, dễ bị xâm hại, những năm qua, các chủ rừng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài sản được giao, chủ động triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Các BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, Ngàn Sâu, Công ty TNHH MTV Chúc A, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phối hợp thường xuyên với BQL rừng phòng hộ Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) để trao đổi thông tin, xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra, truy quét lâm tặc nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng xâm hại rừng thuộc lâm phần mình quản lý.

Lực lượng kiểm lâm Hương Khê thu giữ lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh với Quảng Bình.

Lực lượng kiểm lâm Hương Khê thu giữ lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh với Quảng Bình.

Các chủ rừng cũng đã phối hợp chặt chẽ với địa phương và các cơ quan chức năng để tăng cường tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật, cải thiện đời sống theo các chương trình xóa đói giảm nghèo, triển khai các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển, xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng bằng các chính sách giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế trang trại... Giám đốc BQL rừng phòng hộ Ngàn Sâu (Hương Khê) Nguyễn Kim Hùng cho biết: “Chúng tôi là đơn vị có khá nhiều diện tích giáp ranh với 2 huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa như tiểu khu 270, 274, 269, 266...

Do tính chất phức tạp, đặc thù của khu vực giáp ranh nên công tác bảo vệ rừng ở các khu vực này luôn được chúng tôi quan tâm, thực hiện khá tốt. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng đơn vị vẫn bố trí tương đối đầy đủ lực lượng, phương tiện, kinh phí để đóng chốt, ngăn chặn, truy đuổi, bảo vệ lâm phần nên tình hình cơ bản ổn định. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị của tỉnh bạn để thực hiện nhiệm vụ chung”.

Khu vực rừng giáp ranh là địa bàn rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Thực tế cho thấy nguy cơ xâm hại rừng ở khu vực này rất cao và khó khăn trong kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực này, những năm gần đây, lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả.

Các hạt kiểm lâm Hương Khê, Kỳ Anh, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch cũng như đội kiểm lâm cơ động và PCCCR của 2 tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, diễn biến tình hình về công tác quản lý, bảo vệ rừng, lâm sản tại địa bàn giáp ranh. Qua đó, thống nhất xây dựng phương án, tổ chức kiểm tra, truy quét, tuần tra, kiểm soát lâm sản để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm.

Các bên liên quan cũng tăng cường phối hợp trong kiểm soát khai thác, săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật, thực vật trong nội địa và qua biên giới. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt việc hợp tác tin báo tội phạm, phối hợp với công an, bộ đội biên phòng, hải quan kiểm tra, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã trái phép... Lực lượng kiểm lâm cùng với các chủ rừng, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp chung tay bảo vệ các cánh rừng ở những nơi được xem là “phên giậu”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast