Ngân hàng đồng hành với người dân vùng lũ

Trao hàng cứu trợ tận tay người dân cùng những lời động viên ấm nghĩa tình; khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại sản xuất từ nguồn đầu tư tín dụng để đề xuất khoanh nợ, giảm, giãn nợ, đồng thời tích cực triển khai cho vay mới để tái sản xuất... các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ta đang cùng người dân vùng lũ vượt qua chặng đường gian khó.

Khẩn trương cứu trợ

Là những doanh nghiệp đầu tàu trong các hoạt động từ thiện xã hội trên địa bàn, sau 2 trận bão, lũ trong tháng 10/2013, các đoàn cán bộ ngân hàng đã khẩn trương đến với người dân vùng lũ.

Ngay khi nước lũ chưa rút, đoàn cứu trợ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã cùng với Chi nhánh Vietcombank Hà Tĩnh đến thăm hỏi, trao quà cho người dân vùng lũ 2 huyện Vũ Quang và Hương Sơn gồm: 20 tấn gạo, 50 triệu đồng trích từ nguồn đóng góp của toàn hệ thống đã đến với người dân 6 xã: Ân Phú, Đức Giang, Hương Quang (Vũ Quang) và Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Trung (Hương Sơn).

Nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp kịp thời giúp nông dân khôi phục sản xuất vụ đông sau lũ.
Nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp kịp thời giúp nông dân khôi phục sản xuất vụ đông sau lũ.

Gắn bó mật thiết với người nông dân, Ngân hàng No&PTNT đã trích số tiền từ quỹ nhân ái đóng góp để triển khai chương trình cứu trợ trên diện rộng. Trong suốt 1 tuần sau lũ, từ chi nhánh ngân hàng tỉnh đến các ngân hàng huyện, thị đều dành thời gian đến với người dân. 10 tấn gạo đã được Agribank trao cho các xã bị thiệt hại tại các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê.

Toàn ngành Ngân hàng hướng về nhân dân vùng lũ, lời thúc giục ấy được cả những đơn vị không hoạt động kinh doanh như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng CSXH hưởng ứng tích cực. Đoàn Thanh niên NHNN Việt Nam đã tổ chức trao 50 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng kèm theo 120 thùng mì tôm, quần áo, lương khô, giày dép… cho 50 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Ân Phú; thăm hỏi, tặng Trường THCS Ân - Giang và Tiểu học Đức Giang, mỗi trường 1.000 cuốn vở, 1.000 cây bút và 40 cặp học sinh, với tổng trị giá 30 triệu đồng.

Ngân hàng CSXH phát động quyên góp trong cán bộ, viên chức toàn ngành và hỗ trợ tận tay cho các hộ dân bị thiệt hại ở 2 xã Sơn Diệm (Hương Sơn) và Hương Minh (Vũ Quang) với tổng số 80 suất quà, mỗi suất gồm 25 kg gạo và một số thực phẩm khác, trị giá 500.000 đồng.

Bên cạnh những chuyến cứu trợ trực tiếp, các ngân hàng trên địa bàn đã vận động được nguồn hỗ trợ khá lớn từ ngân hàng trung ương để góp sức cùng với toàn tỉnh khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống nhân dân. Ngân hàng Đầu tư & Phát triển hỗ trợ 1 tỷ đồng, Agribank 300 triệu đồng, Vietinbank đóng góp 300 triệu đồng, Ngân hàng HUBank triển khai chương trình làm nhà cho hộ nghèo sau lũ với số tiền 400 triệu đồng… các ngân hàng đang thể hiện rõ trách nhiệm của lực lượng đầu tàu trong nền kinh tế đối với cộng đồng.

Chia sẻ thiệt hại

Giám đốc Chi nhánh NHNN Nguyễn Huy Tiến cho biết: Ngay sau 2 cơn bão, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt kịp thời tình hình thiệt hại của các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng do bão, lũ, trên cơ sở đó xem xét thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn để khôi phục SXKD.

Ngân hàng No&PTNT Cẩm Xuyên tập trung cho vay tái sản xuất sau lũ
Ngân hàng No&PTNT Cẩm Xuyên tập trung cho vay tái sản xuất sau lũ

Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh, 2 trận bão lũ vừa qua đã gây thiệt hại cho khách hàng vay vốn của Chi nhánh khoảng 50 tỷ đồng, tập trung ở các địa bàn: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê… Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Tây Sơn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngay sau 2 trận bão, lũ, cán bộ ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát đến tận hộ. Qua đánh giá, có hơn 150 hộ bị thiệt hại nguồn vốn vay ngân hàng trên 17 tỷ đồng. Số hộ bị thiệt hại trong bão số 10 đã được ngân hàng thực hiện chính sách giảm lãi vay. Còn những hộ liên quan đến trận bão số 11 đang chờ ý kiến chỉ đạo của ngân hàng cấp trên. Với quan điểm đồng hành, chia sẻ với khách hàng, đơn vị đã sẵn sàng nguồn dự phòng để cho vay đầu tư tái sản xuất.

Đối với nguồn vốn đầu tư của các chương trình tín dụng ưu đãi, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các phòng giao dịch huyện khảo sát số hộ thiệt hại và có đề xuất cụ thể về hướng xử lý. Theo đó, đối với các hộ vay bị thiệt hại về tài sản hình thành từ vốn vay Ngân hàng CSXH, các phòng giao dịch phối hợp với UBND, các cấp hội xã, tổ tiết kiệm và vay vốn đánh giá chính xác mức độ thiệt hại, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp; trường hợp hộ nghèo vay vốn đã hết thời gian gia hạn nợ nhưng hiện bị rủi ro do thiên tai thì tiếp tục thực hiện việc gia hạn nợ (tối đa không quá thời gian cho vay).

Ông Lưu Văn Minh - Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết, ngân hàng sẽ ưu tiên nguồn vốn thu hồi từ các chương trình để cho vay khôi phục sản xuất, tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ổn định cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast