Nhà ở đô thị và không gian sinh hoạt

(Baohatinh.vn) - Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, những năm qua, TP Hà Tĩnh đã có những bước tiến quan trọng trong quy hoạch và phát triển đô thị, tuy nhiên, yếu tố nhà ở đô thị lại đang trong tình trạng “chắp vá”, chưa tạo được sự đồng đều và thiếu không gian trống.

Theo quy hoạch chung TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, với mục tiêu xây dựng TP Hà Tĩnh trở thành đô thị loại II trong khoảng thời gian từ 2015-2017 và tương lai đô thị loại I, thành phố sẽ có cấu trúc đô thị phát triển bền vững, đạt hiệu quả trong sử dụng đất đai; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển.

Thực hiện mục tiêu đó, những năm qua, TP Hà Tĩnh đã quy hoạch và quản lý quy hoạch ở các vùng đô thị như: Bắc Nguyễn Du, Sông Đà khá rõ nét với các yêu cầu thiết kế nhà ở đô thị theo quy định. Tuy nhiên, nhìn chung, yếu tố nhà ở đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Theo ông Trần Đình Thiên - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh, ngoài 2 khu đô thị Bắc Nguyễn Du, Sông Đà và một số tuyến phố chính có quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ thì các khu vực dân cư khác vẫn đang trong tình trạng chắp vá, tự phát về quy hoạch và kiến trúc nhà ở. Người dân sinh sống tại nhiều khu vực vẫn đang phải chấp nhận những yếu kém về hạ tầng xã hội từ hàng chục năm nay.

Nhà ở đô thị và không gian sinh hoạt ảnh 1

Đan xen giữa kiến trúc đô thị hiện đại, không khó bắt gặp những nét truyền thống được phục dựng, cải tạo từ kiến trúc nhà cổ, tạo nên một không gian sống nho nhã, gần gũi thiên nhiên.

Kiến trúc nhà ở chắp vá, manh mún và không đồng đều đã tạo nên sự “khập khểnh” tại các khu vực trong thành phố, đặc biệt là tại các phường trung tâm như Bắc Hà, Nam Hà, Trần Phú... Nhiều nhà ở do nhân dân xây dựng không bảo đảm các yếu tố cần thiết về kiến trúc, chất lượng. Cùng một ngõ nhưng các nhà ở không đồng nhất về độ cao nền và mặt tiền nên các khu phố trở nên lộn xộn, chắp vá. Việc quản lý và cấp phép xây dựng mặc dù được đánh giá có nhiều tiến bộ, song vẫn chưa bao quát hết các yếu tố cần thiết trong xây dựng nhà ở đô thị và sâu sát đến từng hộ dân.

Quỹ đất phát triển nhà ở đô thị mặc dù đã được quy hoạch, song chỉ chú trọng đến việc giao đất làm nhà ở cho nhân dân mà chưa tập trung dành quỹ đất phát triển quỹ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội. Các giao dịch trong thị trường bất động sản được thực hiện phần lớn là những giao dịch “ngầm” của nhân dân nên gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, khai thác tiềm năng từ đất để phát triển kinh tế.

Nhà ở đô thị TP Hà Tĩnh không chỉ chắp vá, manh mún và không đồng đều mà còn thiếu không gian trống. Nhiều tuyến phố như Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Hà Huy Tập, Xuân Diệu… được người dân tận dụng tối đa diện tích mặt tiền để hoạt động kinh doanh, buôn bán, dẫn đến sự chật chội, bức bí. Việc tổ chức không gian trống phù hợp với những yêu cầu riêng tư của từng gia đình và từng nhóm nhà, với sân chơi cho trẻ em, nơi thư giãn, nghỉ ngơi cho người già và tạo điều kiện giao lưu thoải mái là điều “xa xỉ” đối với cư dân ở những khu vực này.

Quy hoạch chung TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã đưa ra định hướng phát triển không gian tổng thể kết hợp chỉnh trang các khu đô thị cũ và hình thành các khu chức năng đô thị mới trong một tổng thể hợp nhất, trong đó, mô hình “đô thị ven sông” gồm những loại hình nhà ở gắn liền với cảnh quan sông Phủ, sông Rào Cái nhằm khai thác tối đa lợi thế cảnh quan thiên nhiên. Các không gian trong TP Hà Tĩnh được quy hoạch với hình thái đô thị gắn với đặc điểm tự nhiên cũng như tính chất của từng khu vực để xây dựng hình ảnh Hà Tĩnh là thành phố bền vững, đa dạng về không gian đô thị và có bản sắc riêng.

Ngoài việc tuân thủ quy hoạch chung của thành phố, các hộ dân phải tự thiết kế không gian nhà ở của mình hài hòa, có màu xanh cây cối, có sự giao hòa với không gian chung, tránh kiểu “lô cốt”, kín cổng cao tường, thiếu ánh sáng và khí trời. Hiện nay, người ta hay dùng thuật ngữ “phong thủy” của ngôi nhà, thực chất đó là sự giao hòa, đón gió và ánh sáng, có khí trời, có nước. Đó là những yếu tố để đảm bảo ngôi nhà bình yên, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Cùng với tình yêu thương, mỗi ngôi nhà sẽ luôn là nơi các thành viên gia đình nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày lao động mệt nhọc, đoàn tụ trong bữa cơm ngon lành, giấc ngủ say nồng và nuôi dưỡng kỷ niệm êm đềm về những người thân yêu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast