Quy hoạch phát triển CN-TTCN cần gắn với lợi thế của từng địa phương

(Baohatinh.vn) - Sáng 20/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì tổ chức cộc họp nghe báo cáo tóm tắt Quy hoạch phát triển CN-TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tham dự có các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch của tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương và đơn vị tư vấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Đơn vị tư vấn cần soát xét, đánh giá lại một số nội dung; phân tích, dự báo kỹ hơn, chính xác hơn, đồng thời làm rõ nội dung liên kết vùng giữa Hà Tĩnh và các vùng trong khu vực...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Đơn vị tư vấn cần soát xét, đánh giá lại một số nội dung; phân tích, dự báo kỹ hơn, chính xác hơn, đồng thời làm rõ nội dung liên kết vùng giữa Hà Tĩnh và các vùng trong khu vực...

Quy hoạch tổng thể phát triển CN-TTCN Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) xây dựng. Theo quy hoạch, nhóm ngành chủ lực tạo phát triển đột phá là công nghiệp luyện kim, công nghiệp sản xuất điện năng, công nghiệp cơ khí, chế tạo, đóng tàu, điện tử. Nhóm ngành nền tảng khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, gồm: công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; khai thác khoáng sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất rượu, bia, nước giải khát… Nhóm ngành tiền đề phát triển cho giai đoạn sau năm 2020, gồm: dệt may, da giày; hóa chất, cao su, nhựa; công nghiệp sản xuất, phân phối khí gas hóa lỏng; công nghiệp cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải…

Định hướng phân bố không gian phát triển CN-TTCN theo 3 vùng gồm: vùng 1 nằm ở phía Bắc, vùng 2 là trung tâm và phía Nam, vùng 3 nằm phía Tây tỉnh Hà Tĩnh.

Tỉnh sẽ huy động mạnh mẽ các nguồn nội lực, kết hợp đẩy mạnh thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương trên các lĩnh vực CN-TTCN, TM-DV, nông- lâm- ngư nghiệp nhằm tạo ra những đột phá mới, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đa phần các ý kiến đóng góp, phản biện tập trung vào các vấn đề như: phương pháp tiếp cận, định hướng, mục tiêu, phương án phát triển, bố cục quy hoạch và các số liệu liên quan đến các ngành, các lĩnh vực...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu khá sâu, đầu tư đúng mức, cơ bản tuân thủ theo quy định, hướng dẫn trong quá trình xây dựng quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn cần soát xét, đánh giá lại một số nội dung; phân tích, dự báo kỹ hơn, chính xác hơn, đồng thời làm rõ nội dung liên kết vùng giữa Hà Tĩnh và các vùng trong khu vực; cập nhật dữ liệu mới, bổ sung, đánh giá một số dự án trọng điểm, cảng biển, cửa khẩu vào quy hoạch; nêu rõ những hạn chế, nguyên nhân; xác định rõ hơn về các ngành nghề ưu tiên gắn với công nghiệp phụ trợ; xác định nguồn vốn, cơ cấu vốn đầu tư; bổ sung các giải pháp một cách cụ thể gắn với thực tế của địa phương…

Những ý kiến đóng góp sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa trình UBND tỉnh nhằm sớm ban hành Quy hoạch phát triển CN-TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast