Tận tâm với doanh nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển bền vững

(Baohatinh.vn) - Hơn 1 tháng sau ngày tuyên bố độc lập, Bác Hồ gửi thư cho giới công thương, trong đó nhấn mạnh: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này”... Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự chia sẻ về những nỗ lực bền bỉ nối tiếp 2 chữ “tận tâm” vẫn vẹn nguyên ý nghĩa ấy để doanh nghiệp (DN) tỉnh nhà thực sự được đồng hành trên chặng đường bứt phá.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim chúc mừng Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Ảnh: Thành Chung

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim chúc mừng Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Ảnh: Thành Chung

- Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về ban hành sớm nghị quyết chuyên đề nhằm hoạch định chiến lược phát triển DN. Xin Chủ tịch đánh giá những kết quả căn bản trong việc triển khai thực hiện nghị quyết?

Năm 2005, sau khi Luật DN ra đời, trên cơ sở nhìn nhận thực tiễn hoạt động nhiều khó khăn của lực lượng DN tỉnh nhà, UBND tỉnh đã tiến hành khảo sát mô hình DN ở các lĩnh vực và tham mưu BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 24/8/2006 về tăng cường lãnh đạo phát triển DN đến 2010 và những năm tiếp theo. Thành công rõ nét trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 02, là chúng ta đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện nhiệm vụ phát triển DN, đồng thời khơi dậy nội lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh để xây dựng và phát triển DN.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 184/QĐ-UBND về chương trình Tháng hành động vì sự phát triển DN. Ngày 24/9/2007, UBND tỉnh có Quyết định số 2520/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo về sự phát triển DN tỉnh, với chức năng tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành các chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch cụ thể từng thời kỳ về phát triển DN trên địa bàn. Từ đó, các sở, ban, ngành, địa phương đã có sự chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính đối với xử lý hồ sơ, thủ tục cho DN; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hoạt động DN; tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao kiến thức cho DN, HTX và hộ kinh doanh; chú trọng phát triển các tổ chức đại diện của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân.

Tỉnh đã tập trung xây dựng các yếu tố nền tảng để DN phát triển một cách bền vững. Thứ nhất, hoàn thành các quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 cùng với các quy hoạch ngành, vùng; xác định sản phẩm hàng hóa chủ lực... Thứ hai, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ DN một cách đồng bộ, toàn diện và ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả. Thứ ba, huy động mọi nguồn lực từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cơ sở với các yêu cầu: giao thông, điện, nước, công nghệ thông tin. Thứ tư, xây dựng mô hình của các loại hình DN trên nhiều lĩnh vực hoạt động để kịp thời nhân rộng.

Nhà máy Cọc sợi Vinatex Hồng Lĩnh hoạt động ngày càng hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động

Nhà máy Cọc sợi Vinatex Hồng Lĩnh hoạt động ngày càng hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động

Trong giai đoạn nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn thì ở Hà Tĩnh, hàng loạt dự án trọng điểm mang tầm quốc gia và quốc tế vẫn được triển khai đúng tiến độ; các DN trong và ngoài nước vẫn chọn Hà Tĩnh là điểm đến tin cậy. Những năm qua, Hà Tĩnh thu hút nguồn lực đầu tư lớn của các dòng vốn: FDI, ODA, ngân sách, tín dụng, DN, HTX, tổ hợp tác và người dân... để phát triển sôi động trên tất cả các lĩnh vực. Bởi vậy, trước những khó khăn, thách thức chung, tỉnh kiên định, quyết tâm cao đối với các mục tiêu KT-XH: năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP 19,2%, năm 2014 phấn đấu đạt 23%...

Môi trường hoạt động thuận lợi và những chính sách hỗ trợ hấp dẫn không chỉ là điều kiện tốt để hoạt động SXKD mà còn là sự coi trọng, tôn vinh và kỳ vọng của tỉnh đối với DN. 8 năm qua, Hà Tĩnh luôn duy trì chế độ giao ban hàng tuần để nghe báo cáo kết quả hoạt động và những vướng mắc của DN, từ đó có giải pháp tháo gỡ; mỗi năm tổ chức 1 tháng hành động vì sự phát triển của DN với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

- Trong môi trường hoạt động thuận lợi đó, DN Hà Tĩnh đã thực sự có cuộc “lột xác” về cả chất và lượng. Chủ tịch có thể đánh giá những thành tựu nổi bật trong phát triển DN tỉnh nhà?

Có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, DN tỉnh ta đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô, từng bước khẳng định vai trò chủ chốt trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Trong khi số lượng DN đăng ký thành lập trên phạm vi cả nước giảm, thì tốc độ tăng trưởng DN của Hà Tĩnh thời gian qua đạt mức cao, nằm trong tốp đầu cả nước. Từ 836 DN ở thời điểm cuối năm 2005, đến cuối tháng 8/2014, toàn tỉnh có 3.932 DN (tăng 4,7 lần). Riêng năm 2013, toàn tỉnh thành lập mới 512 DN; 8 tháng đầu năm 2014 thành lập mới 302 DN, 29 chi nhánh và 8 văn phòng đại diện.

Điều đáng mừng là bên cạnh sự tăng trưởng về số lượng, quy mô hoạt động của các DN được nâng lên (năm 2005, số vốn bình quân của mỗi DN là 1,5 tỷ đồng, đến nay đạt 5,5 tỷ đồng) và số DN sản xuất vật chất có sự phát triển rõ rệt (tăng 5,6 lần so với năm 2005, chiếm 65% tổng số DN toàn tỉnh). Cùng với việc triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn, các DN hoạt động trên lĩnh vực CN-TTCN, TM-DV đã có bước phát triển rõ rệt với tỷ trọng chiếm 54%.

Giám đốc Khách sạn BMC Hà Tĩnh phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh TM-DV&DL do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh tổ chức

Giám đốc Khách sạn BMC Hà Tĩnh phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh TM-DV&DL do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh tổ chức

Nếu nói, nền KT-XH phát triển đã tạo cơ hội cho DN vươn lên, thì ngược lại, chính sức mạnh mới của DN đang tác động lớn tới các mục tiêu phấn đấu cốt lõi của tỉnh nhà: giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, tăng thu ngân sách, tăng kim ngạch xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, góp nguồn lực đầu tư hạ tầng KT-XH, phát triển kinh tế đối ngoại và huy động các nguồn vốn vào địa bàn. Trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn, nguồn vốn đầu tư từ DN đang khẳng định vai trò chủ đạo: từ 49,6% năm 2005 tăng lên 80% trong 8 tháng đầu năm 2014. Nguồn thu ngân sách từ DN năm 2005 chiếm 36,6% tổng thu, đã tăng lên 87,33% trong 8 tháng đầu năm 2014.

Các DN đã tạo việc làm cho gần 80 ngàn người, chiếm 11,58% tổng lao động toàn xã hội. Nhiều DN tích cực tham gia đỡ đầu tài trợ các địa phương xây dựng NTM, đầu tư sản xuất các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực, xây dựng liên kết giữa DN và nông dân theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Thành công trong việc thực hiện mục tiêu DN hóa đã tạo cơ sở để chúng ta đẩy mạnh toàn cầu hóa và tiếp tục xây dựng liên kết hóa, tăng cường xã hội hóa đầu tư trên địa bàn.- Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch có gửi gắm điều gì tới cộng đồng DN?

Trong suốt 8 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết 02 và 9 năm sát cánh cùng DN trong vai trò của một lãnh đạo tỉnh, tôi luôn đặt niềm tin cao nhất ở cộng đồng DN và tận tâm, nỗ lực khơi dậy, vun đắp, nâng tầm cao mới cho lực lượng kinh tế hết sức quan trọng này. Thành quả chúng ta có được hiện nay là một đội ngũ DN rộng lớn, quy mô, chất lượng và đầy ý chí, bản lĩnh vươn lên. Lực lượng ấy đang đứng trước một con đường rộng của hội nhập và phát triển ngay trên sân nhà với sự có mặt của các nhà đầu tư đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới, với tương lai rất gần của một khu công nghiệp nặng, khu cảng biển lớn nhất quốc gia, kéo theo đó là một hậu cần TM-DV sôi động và thị trường lớn tiêu thụ nông sản. Quan trọng nữa là ở bên cạnh DN, luôn có sự đồng hành, hỗ trợ đắc lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà.

Công nhân Công ty nước khoáng Sơn Kim đóng chai sản phẩm.

Công nhân Công ty nước khoáng Sơn Kim đóng chai sản phẩm.

Để tiếp sức cho DN phát triển bền vững, tỉnh đang có kế hoạch bổ sung cơ chế, chính sách và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính, với mục tiêu hình thành các DN có quy mô lớn, đủ mạnh để giữ vai trò vừa là đối tác, vừa là đối trọng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư tại Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực phát triển các mô hình DN quy mô vừa và nhỏ để tạo sự phát triển mạnh mẽ, đồng đều trong các lĩnh vực, trong các thành phần kinh tế; chú trọng phát triển DN ở khu vực nông thôn, phấn đấu đến tháng 12/2014, 100% xã, phường có từ 3-5 DN, 4-6 HTX trở lên.

Tuy nhiên, việc phát triển DN trong thời kỳ mới đang đặt ra yêu cầu xây dựng một “sân chơi” bình đẳng, kỷ cương đối với các loại hình DN. Bởi vậy, không còn cách nào khác, mỗi DN phải chủ động, sáng tạo, bước đi trên đôi chân của chính mình để vượt qua thách thức, nắm chắc cơ hội. Để làm được điều đó, yêu cầu trước hết là phải nâng cao trình độ, năng lực quản trị DN, xây dựng được chiến lược phát triển DN tất cả các mặt: thị trường, nguyên liệu, tài chính, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực; quyết liệt thực hiện việc tái cấu trúc ngành nghề trong từng DN để thực sự đổi mới về chất; thường xuyên chăm lo xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng văn hóa tri thức DN, doanh nhân; thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, đảm bảo phát triển bền vững.

Chặng đường hội nhập kinh tế thế giới đang đòi hỏi một sự bứt phá mạnh mẽ của DN Hà Tĩnh. Bởi vậy, tôi thiết tha yêu cầu cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền các cấp, sở, ngành thực sự tận tâm hỗ trợ, phục vụ DN; mỗi một cán bộ trong các cơ quan, đơn vị ngày càng ý thức sâu sắc hơn về vai trò của DN và bình đẳng với mọi loại hình DN từ trong những suy nghĩ, hành động nhỏ nhất; mỗi người dân từng bước chuyển đổi từ tư duy của nông dân thành tư duy của doanh nhân; mỗi hộ kinh doanh nuôi lớn ý chí trở thành DN để lực lượng DN ngày càng đông hơn, mạnh hơn, “tinh nhuệ” hơn. Trong mọi công việc, mỗi hành động đối với DN, cần phải hiểu một cách sâu sắc rằng: đầu tư cho DN là đầu tư cho sự phát triển bền vững của nền KT-XH Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast