“Tạo đồng thuận trong xử lý ô nhiễm vùng thượng hồ Bộc Nguyên”

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 8 tháng thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về xử lý vấn đề ô nhiễm đầu nguồn hồ Bộc Nguyên, huyện Thạch Hà đã triển khai nhiều phần việc, nhất là đã phê duyệt phương án, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) khu vực ven và thượng nguồn hồ.

Xung quanh vấn đề này, PV Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hà – Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nhằm làm rõ hơn nội hàm của vấn đề.

- Hồ Bộc Nguyên là đầu mối cung cấp nước sạch cho hàng vạn hộ dân TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận nên vấn đề ô nhiễm môi trường vùng thượng nguồn hồ là không thể xem nhẹ. Quan điểm của huyện trong việc xử lý vấn đề này như thế nào và địa phương đã cụ thể hóa ra sao, thưa ông?

Hồ Bộc Nguyên tuy nằm trên vùng giáp ranh giữa 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên nhưng là nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt cho TP Hà Tĩnh, thị trấn Thạch Hà và các vùng phụ cận nên công tác bảo vệ nguồn nước là hết sức quan trọng. Với trách nhiệm và thẩm quyền của mình, thời gian qua, huyện Thạch Hà đã chỉ đạo UBND các xã Thạch Điền, Nam Hương tổ chức lực lượng phối hợp với Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh triển khai thu dọn vỏ cây dọc tuyến đường phía thượng nguồn hồ suốt chiều dài 2,5 km, tổng khối lượng ước tính khoảng 375 m3.

“Tạo đồng thuận trong xử lý ô nhiễm vùng thượng hồ Bộc Nguyên” ảnh 1

Thời gian qua, các địa phương tích cực phối hợp với Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh triển khai thu dọn vỏ cây dọc tuyến đường phía thượng nguồn hồ

Cùng đó, huyện tổ chức phát tờ rơi, ký cam kết bảo vệ môi trường giữa các hộ dân với UBND 2 xã Thạch Điền, Nam Hương; tuyên truyền, vận động người dân có trách nhiệm trong giữ vệ sinh môi trường, không phát triển chăn nuôi tập trung, đặc biệt là chăn nuôi lợn; hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu, diệt cỏ...; không xả thải trực tiếp ra môi trường; trong quá trình thu hoạch cây lâm nghiệp, không được vứt vỏ cây tại khu vực thượng nguồn hồ. Để đảm bảo bền vững, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 36/TB-UBND ngày 28/1/2015, UBND huyện Thạch Hà đã xây dựng phương án di dời dân ra khỏi vùng hồ Bộc Nguyên trình Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan thẩm định.

- Theo phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC khu vực thượng nguồn hồ Bộc Nguyên do huyện lập, đã được Sở Xây dựng thẩm định, sẽ có không ít hộ dân phải di dời. Ông có nghĩ rằng đây là việc không hề đơn giản?

Theo phương án do huyện xây dựng, tổng diện tích đất thu hồi theo dự kiến khoảng 147,58 ha, có đến 112 hộ dân và 1 hội quán phải di dời. Tôi khẳng định, đây là nội dung lớn, không thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Vì vậy, phương án xây dựng được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ di dời 25 hộ sinh sống sát mép lưu vực thượng nguồn hồ, bằng và thấp hơn cao trình thiết kế của hồ Bộc Nguyên (cốt < 23m), trong đó, có 16 hộ thuộc xã Thạch Điền, 9 hộ thuộc xã Nam Hương; giai đoạn 2 tiếp tục di dời 87 hộ còn lại, trong đó, 21 hộ thuộc xã Thạch Điền, 66 hộ thuộc xã Nam Hương.

- Không đủ nguồn lực để tiến hành cùng lúc buộc dự án phải phân kỳ đầu tư. Vậy trong thời gian đó, huyện phải làm gì để tránh phát sinh hộ cơi nới đất đai làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện về sau, thưa ông?

“Tạo đồng thuận trong xử lý ô nhiễm vùng thượng hồ Bộc Nguyên” ảnh 2

Để từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vùng thượng hồ Bộc Nguyên, trước mắt huyện Thạch Hà sẽ di dời 25 hộ sinh sống sát mép lưu vực.

Ngày 4/9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản giao UBND huyện làm chủ đầu tư, tiến hành khảo sát, đề xuất chủ trương đầu tư, lập dự án bồi thường, hỗ trợ, TĐC bảo vệ môi trường khu vực thượng nguồn và ven hồ Bộc Nguyên giai đoạn 1 cũng như thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong năm 2015.

Cùng đó, huyện tập trung tuyên truyền, tạo đồng thuận trong nhân dân, đồng thời, hoàn thiện các thủ tục liên quan để thông báo cho các hộ dân dừng việc cơi nới, xây dựng các công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm trong khu vực thực hiện giai đoạn 1 của dự án và rà soát, thống kê, tổng hợp hiện trạng sử dụng đất, tài sản, vật kiến trúc, cây trồng trên đất phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, TĐC; nghiên cứu, lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan để thực hiện giai đoạn 2; có biện pháp quản lý xây dựng, sản xuất, canh tác hợp lý trong vùng dự án giai đoạn 2 trước khi triển khai thực hiện…

- Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast