Thông tin trong hồ sơ Panama chỉ là một kênh tham khảo

Trước thông tin 189 tổ chức, cá nhân người Việt có tên trong hồ sơ Panama mấy ngày gần đây đã gây chấn động giới truyền thông, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, hồ sơ Panama cũng chỉ là một kênh để cơ quan thuế tham khảo. Cần phải có chứng cứ thì mới đưa ra kết luận cuối cùng.

thong tin trong ho so panama chi la mot kenh tham khao

Việc có tới 189 tổ chức, cá nhân người Việt xuất hiện trong hồ sơ Panama đã khiến nhiều người bất ngờ

- Thưa ông đã biết, việc có tới 189 tổ chức, cá nhân người Việt xuất hiện trong hồ sơ Panama đã khiến nhiều người bất ngờ. Với bản thân ông, ông tiếp nhận thông tin này như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Phụng: Phải nói rằng, việc Tổ chức Các nhà báo điều tra quốc tế công bố thông tin này đã gây nên sự chấn động trên toàn cầu. Tại một số nước đã có nhân vật cao cấp xuất hiện trong hồ sơ và họ đã bị pháp luật của nước họ kết luận rằng có những thiếu sót về chấp hành thuế, hay gian lận thuế. Từ thực tế đó thì không ít bạn đọc nghĩ rằng, liệu trong số đó có người của mình hay không? Nhưng tôi cũng xin nói rằng, các nước có đầy đủ dữ liệu và quy trình chặt chẽ kiểm soát các dòng tiền, nên có thể rất nhanh chóng công bố và tìm ra các nhân vật có liên quan. Chúng ta có thông tin, nhưng chúng ta cũng cần phải có đầy đủ các chứng cứ thì mới biết được rằng có liên quan hay không liên quan đến gian lận thuế. Trong giao dịch kinh doanh hiện nay, tôi cho rằng những cá nhân Việt Nam, những tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ này cũng là bình thường. Bởi vì doanh nhân thì người ta có giao dịch với các đối tác  nước ngoài, các doanh nghiệp (DN) cũng có quan hệ đối tác với các nước khác vì họ đầu tư, mua bán, ký kết hợp đồng về dịch vụ. Theo thông lệ quốc tế việc thực hiện giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng, người ta lưu giữ những thông tin đó thì cũng là chuyện rất bình thường và chúng ta phải hết sức bình tĩnh để làm rõ có liên quan hay không.

 
 
thong tin trong ho so panama chi la mot kenh tham khao

Ông Nguyễn Văn Phụng

 

- Từ “thiên đường thuế” được nhiều người nói đến nhưng không phải ai cũng hiểu cặn kẽ về nó. Ông có thể nói rõ “thiên đường thuế” là gì? Và nếu các DN Việt Nam đầu tư ở các thiên đường thuế thì có ảnh hưởng gì đến thu ngân sách ở Việt Nam không?

- Ông Nguyễn Văn Phụng: Trước hết phải cắt nghĩa thiên đường thuế là gì?  Thiên đường thuế là địa điểm mà tại quốc gia đó người ta cho phép các DN, các nhà đầu tư nộp thuế với mức thuế rất ưu đãi hoặc là miễn thuế. Vì miễn thuế hoặc ưu đãi thuế rất lớn, nên người ta mới gọi đấy là thiên đường thuế. Một DN đăng ký kinh doanh tại một quốc gia là thiên đường thuế, nếu như chỉ hoạt động ở trong đó thì không ảnh hưởng gì đến chúng ta cả. Nhưng nếu như họ thành lập ở đó, nhưng lại có hoạt động đầu tư ở Việt Nam thì chúng ta phải xem xét việc họ chuyển tiền từ Việt Nam về thiên đường thuế đó đã thực hiện nghĩa vụ thuế hay không?

PV: Nhiều người cho rằng cứ có tên trong hồ sơ Panama là các tố chức cá nhân đó có vấn đề. Dưới góc độ của nhà quản lý thuế, ông đánh giá điều này như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Phụng: Những thông tin trong hồ sơ mang tính chuyên môn rất cao. Vì thế trách nhiệm của chúng tôi là giải thích cho công luận hiểu rõ thêm. Như tôi đã nêu là không phải người nào có tên trong hồ sơ đó là trốn thuế hoặc vi phạm pháp luật về thuế, bởi vì pháp luật cho phép người ta thực hiện các giao dịch kinh doanh. Ví dụ các bạn ra nước ngoài tiêu tiền thẻ tín dụng mà đối tác của chúng ta là những cá nhân, tổ chức có tên trong “hồ sơ Panama” thì đương nhiên giao dịch đó cũng được ghi lại, mà chúng ta chưa biết hồ sơ kia người ta ghi như thế nào.

- Vậy có thể hiểu những thông tin trong hồ sơ Panama chỉ là những thông tin tham khảo thôi đúng không thưa ông?

  - Ông Nguyễn Văn Phụng: Đúng thế! Đây cũng là một trong những thông tin để tham khảo, phục vụ cho công tác quản lý thuế cũng như là quản lý xã hội. Mặc dù trong thời điểm hiện nay chúng ta có nhiều kỳ vọng, nhưng chúng tôi phải thực hiện hết sức chặt chẽ. Từ danh sách đó, chúng ta phải đi tìm hiểu sâu thêm để xem quốc tế người ta đã công bố những thông tin gì và đối chiếu với dữ liệu mà chúng ta thu thập được, từ đó mới kết luận các tổ chức, cá nhân này có liên quan đến hồ sơ thuế hay không.

- Xin cảm ơn ông!

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast