Tiến thoái lưỡng nan!

Làng nghề sản xuất chăn, ga, gối, nệm Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) được đánh giá là một trong những địa chỉ SXKD giàu tiềm năng. Ngoài truyền thống được tích lũy từ bao đời nay, sức sống của làng nghề còn được duy trì, tạo dựng bởi yếu tố nhạy bén với thị trường của các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, làng nghề đang đối mặt với không ít nỗi lo, từ vấn đề an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường đến mở rộng quy mô sản xuất...

Di dời các cơ sở sản xuất ở Thạch Đồng khỏi khu dân cư:

Ở chẳng được…

Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đồng Trần Quốc Hương, chúng tôi đến thăm các cơ sở sản xuất chăn, ga, gối, nệm và hàng mã trên địa bàn. Điều dễ nhận thấy là không khí lao động khẩn trương tại các cơ sở sản xuất của làng nghề. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường phát triển nên mức tiêu thụ hàng hóa được sản xuất tại làng nghề Thạch Đồng vì thế cũng tăng lên.

Sản xuất gối, nệm tại Thạch Đồng
Sản xuất gối, nệm tại Thạch Đồng

Đặc biệt, vào thời điểm từ tháng 9 trở đi là thời gian sản xuất sôi động nhất cả năm. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong mùa đông, các cơ sở sản xuất tại đây phải làm việc hết công suất để chạy đua với thời gian, đáp ứng nhu cầu của thị trường những ngày trước và sau Tết Nguyên đán.

Tại các cơ sở sản xuất, chúng tôi được chứng kiến sự bề bộn, chật chội trong không gian đông đúc của làng nghề. Chỉ với diện tích hơn 200 m2/cơ sở sản xuất, được các hộ dân tận dụng tối đa mọi ngóc ngách để kê máy móc, tập kết nguyên vật liệu, hàng hóa thành phẩm, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Ái ngại hơn, tất cả nguyên liệu được sử dụng đều là những vật liệu dễ cháy như vải, bông, đệm… Nếu chẳng may bốc hỏa, với điều kiện nhà xưởng, đường sá nhỏ hẹp thật khó để khống chế đám cháy. Tuy nhiên, nói như ông Dương Công Diệu - chủ cơ sở sản xuất chăn, ga tại xóm Hòa Bình thì: “Gia đình làm nghề này đã lâu, từ trước đến nay chưa xẩy ra hỏa hoạn, với lại những nguyên liệu chúng tôi đang dùng được sản xuất theo công nghệ cao, khó bốc cháy”. Đây chính là tâm lý chủ quan của hầu hết các chủ cơ sở sản xuất tại đây. Cũng vì lý do đó mà ngày 8/10 vừa qua, một đám cháy lớn đã xẩy ra tại cơ sở sản xuất của anh Trương Xuân Mai (xóm Thắng Lợi). Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng đám cháy đã thiêu rụi hoàn toàn nhà xưởng. Vụ hỏa hoạn chính là lời cảnh báo để chính quyền và người dân tính đến phương án ứng phó lâu dài với “giặc” lửa.

Cơ sở sản xuất chăn ga, gối nệm Bùi Quốc Trọng (Thạch Đồng)
Cơ sở sản xuất chăn ga, gối nệm Bùi Quốc Trọng (Thạch Đồng)

Theo phản ánh của nhiều người dân xã Thạch Đồng, bên cạnh nỗi lo về PCCC thì vấn đề vệ sinh môi trường cũng khiến cộng đồng dân cư ở đây hết sức lo ngại. Tất cả các cơ sở sản xuất đều nằm trong khu dân cư. Trong khi đó, trên địa bàn xã Thạch Đồng hiện chưa có hệ thống kênh, mương thoát bẩn, do đó, nước thải sinh hoạt và từ các cơ sở sản xuất, điều chế bông vải đều tự ngấm vào nước ngầm. Bên cạnh đó, với đặc thù của việc sản xuất bông vải nên khi chế biến bông khiến xơ bông, bụi bẩn bay vào không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh.

Từ những lo lắng trên, việc di dời các hộ sản xuất ra khu sản xuất tập trung đã được tính đến, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư vẫn chưa thể thực hiện.

Đi… không xong

Năm 2008, ý tưởng về việc hình thành một khu sản xuất tập trung ở Thạch Đồng được hình thành sau khi quyết định xây dựng Cụm TTCN - làng nghề Thạch Đồng được phê duyệt. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 4,3 ha, có tổng mức đầu tư trên 17 tỷ đồng. Đến năm 2010, địa phương đã hoàn tất công việc GPMB. Cùng năm đó, chủ đầu tư (UBND thành phố) đã tiến hành xây dựng giai đoạn 1 với các phần việc: san lấp 1/3 diện tích mặt bằng, xây dựng hệ thống điện và đường giao thông nội cụm, nguồn vốn đã thực hiện ước tính gần 8 tỷ đồng. Theo đánh giá của chủ đầu tư, các hạng mục được xây dựng, bước đầu cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của các cơ sở kinh doanh tại cụm.

Hiện trạng dở dang của cụm TTCN - làng nghề.
Hiện trạng dở dang của cụm TTCN - làng nghề.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tức hơn 3 năm sau khi cụm TTCN - làng nghề được xây dựng, hoạt động SXKD ở Thạch Đồng vẫn được duy trì tại các khu dân cư trong khi các hạng mục được xây dựng trọng cụm TTCN - làng nghề lại đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Theo đại đa số ý kiến của các hộ sản xuất, giá thuế đất tại khu sản xuất mới còn cao, Nhà nước chưa có quyết định hỗ trợ người dân khi đến khu sản xuất mới là những nguyên nhân chính khiến việc di dời diễn ra chậm trễ. Bên cạnh đó, mặc dù cụm TTCN - làng nghề đã được xây dựng từ lâu nhưng chưa đồng bộ, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải chưa được đầu tư, hình hài của một cụm sản xuất tập trung vẫn chưa được hình thành.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đồng - Trần Quốc Hương, Phó phòng Kinh tế thành phố Nguyễn Thế Công thì bên cạnh những lý do khách quan trên, vấn đề năng lực SXKD của các hộ dân cần phải được bàn đến. Mặc dù đã có bước phát triển, song, các cơ sở SXKD ở đây vẫn chưa vượt qua được những khó khăn nội tại, chưa xây dựng được phương án kinh doanh rõ ràng, thiếu chủ động trong tiếp cận thị trường, sản xuất còn theo mùa vụ, các sản phẩm chưa có tính cạnh tranh trên thị trường; công nghệ, máy móc thiết bị nhìn chung còn lạc hậu; thu hút lao động chưa nhiều... Trong khi đó, nếu ra SXKD tại cụm TTCN - làng nghề thì bản thân mỗi cơ sở phải chứng minh được năng lực sản xuất của mình, cùng với đó phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về nghĩa vụ thuế, bảo hiểm… Do đó, các hộ còn e dè khi tiếp cận với sản xuất tập trung.

Trong định hướng phát triển của mình, việc hình thành các khu sản xuất tập trung là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để làm được điều đó, TP Hà Tĩnh cần phải nhìn nhận vấn đề một cách căn cơ, vào cuộc quyết liệt để tìm ra các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast