TP.HCM đứng đầu năng lực hội nhập kinh tế quốc tế

Chiều 27-11, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế (UBQG HTKTQT) công bố báo cáo Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương năm 2013.

Đây là năm thứ hai chỉ số này được công bố, và là năm đầu tiên thống kê được đầy đủ 63 tỉnh thành. Kết quả, qua đánh giá, TP.HCM được đánh giá cao nhất, đứng đầu danh sách 10 tỉnh thành dẫn đầu, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên và Thừa Thiên Huế...

Đại lộ Võ Văn Kiệt, TP.HCM được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản - Ảnh tư liệu
Đại lộ Võ Văn Kiệt, TP.HCM được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản - Ảnh tư liệu

Mười địa phương được đánh giá năng lực ở mức “thấp” gồm: Yên Bái, Trà Vinh, Đăk Nông, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bình Phước, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hậu Giang và chót bảng, đứng thấp nhất là Sóc Trăng.

Theo ông Trịnh Minh Anh, Giám đốc văn phòng Ban chỉ đạo chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO, báo cáo đánh giá lần này được thực hiện công phu dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Australia (AusAid) và Bộ phát triển quốc tế Anh cùng sự góp ý của nhiều chuyên gia kinh tế. Công cụ đánh giá gồm 8 trụ cột, chia 2 nhóm: 4 trụ cột mang yếu tố tĩnh và 4 trụ cột mang yếu tố động.

Để có dữ liệu khách quan nhằm đánh giá được năng lực hội nhập kinh tế quốc tế các tỉnh, theo ông Trịnh Minh Anh, nhóm nghiên cứu đã khảo sát các chỉ số như: tình hình thương mại địa phương, trong đó có đánh giá số liệu xuất nhập khẩu, hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu, công tác xúc tiến thương mại…

Về đầu tư, nhóm nghiên cứu khảo sát tình hình đầu tư nước ngoài vào địa phương, mức độ thuận lợi, hiệu quả của các dự án, tình hình đầu tư của các tỉnh khác vào địa phương… Về du lịch, chỉ số năng lực hội nhập quốc tế dựa vào mức độ nhận biết du lịch địa phương, doanh thu dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các điểm đến du lịch…Về dân cư, báo cáo nghiên cứu số dân địa phương/số dân tỉnh khác…

Theo ông Trịnh Minh Anh, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các số liệu, báo cáo của địa phương, các bộ, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan… Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các địa phương làm tròn số liệu, để có dữ liệu tương đối chính xác nhất, nhóm nghiên cứu còn tiến hành điều tra 2060 người dân, 2058 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế cho biết VN chuẩn bị tổng kết 30 năm mở cửa và hội nhập kinh tế nên Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương rất cần có đánh giá thường xuyên về năng lực hội nhập và hiệu quả hội nhập nhằm kịp thời có chấn chỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Tú, mục đích chính của việc công bố chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương không phải xếp hạng tỉnh này cao, thấp mà là xác định mức độ hội nhập địa phương, đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương với năng lực thực hiện tại, từ đó khuyến nghị các điều chỉnh cần thiết…

Nguồn: Tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast