Trên 4.000 tỷ đồng vốn “tồn kho” ở các ngân hàng thương mại

(Baohatinh.vn) - 7 tháng năm 2014, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Tĩnh ở mức tăng thấp nhất trong 4 năm gần đây (tăng 4% so với đầu năm). Khoảng cách giữa huy động vốn và cho vay đang tiếp tục giãn ra, đẩy lượng vốn thừa của toàn ngành Ngân hàng lên hơn 4.000 tỷ đồng.

Ngân hàng ế vốn

Từ số liệu thống kê chi tiết của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh về con số tăng trưởng dư nợ trong 7 tháng qua của các TCTD trên địa bàn, có thể nhìn rõ những bước nhích nặng nhọc của đầu tư tín dụng: tháng 1: 0,8%, tháng 2: -0,36%, tháng 3: 1,53%, tháng 4: 1,65%, tháng 5: 0,4%, tháng 6: 1,75%, tháng 7: -0,16%. Trong số 14 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động trên địa bàn, có 5 đơn vị (với thị phần cho vay chiếm 11,6% trên toàn địa bàn) có dư nợ tăng trưởng âm.

Vietcombank đầu tư vốn tín dụng cho Công ty CP Sản xuất thương mại Sao Mai ở cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên.
Vietcombank đầu tư vốn tín dụng cho Công ty CP Sản xuất thương mại Sao Mai ở cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên.

Không chỉ các ngân hàng nhỏ bế tắc trong bài toán đầu ra, mà ngay cả 4 “ông lớn” cũng đau đầu tìm lối thoát. Vietinbank thu mình với con số tăng dư nợ -0,47%; Vietcombank Hà Tĩnh nỗ lực lắm cũng chỉ nhích lên chưa được 1%; BIDV Hà Tĩnh chẳng khá hơn là bao với gần 2%, còn Agribank - với mạng lưới rộng và sự tập trung cao độ cho thị trường nông nghiệp - nông thôn cũng chỉ đạt con số 4,79%, bằng ½ mức tăng cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù, công tác huy động vốn ngày càng chững lại với mức tăng thấp nhất trong nhiều năm (đạt 8,42% trong 7 tháng), nhưng tăng trưởng dư nợ đang chạm đáy khiến nguồn vốn huy động dẫu ít vẫn ế ẩm. Không cho vay được, nguồn vốn huy động được trên địa bàn phải chuyển ra các ngân hàng T.Ư với mức chênh lệch đầu vào - đầu ra ít ỏi, chỉ đủ bù đắp chi phí huy động vốn của các chi nhánh NHTM. Tín dụng bế tắc đồng nghĩa với việc thu hẹp nguồn thu được xem là mũi nhọn kinh doanh của các ngân hàng. Chưa bao giờ các NHTM trên địa bàn lại phải chấp nhận giảm doanh thu đến mức thấp như hiện nay và đồng lương của cán bộ ngân hàng không còn là con số mơ ước của nhiều người. Liên tục trên các cuộc họp, diễn đàn, các giám đốc ngân hàng không ngại bày tỏ những khó khăn, bế tắc trong đầu tư tín dụng. Đã đến lúc những doanh nghiệp (DN) hoạt động ở lĩnh vực được xem là vững chãi nhất là tiền tệ ngân hàng kêu khó bởi những diễn biến khó khăn kéo dài của nền kinh tế.

Doanh nghiệp thiếu tiền

Phân tích thực trạng đầu tư tín dụng hết sức khó khăn hiện nay, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến cho rằng, có thể một phần là do các vấn đề về cơ chế, thủ tục, lãi suất ngân hàng, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là khả năng tiếp cận vốn của DN có hạn.

Số tiền “tồn kho” đang đầy lên ở các ngân hàng thương mại.
Số tiền “tồn kho” đang đầy lên ở các ngân hàng thương mại.

Hiện nay, những DN có đủ điều kiện để vay vốn thì đang cân nhắc, chờ đợi thời điểm đầu tư phù hợp, còn một số DN thiếu vốn thì lại không đủ điều kiện vay. Đặc biệt, ở thời điểm này, các ngân hàng đang tập trung xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của các ngân hàng T.Ư, bởi vậy, tín dụng được kiểm soát nghiêm ngặt và các điều kiện cho vay cũng phải xiết chặt. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Tĩnh - Phạm Ngọc Thanh cho biết, mặc dù ở thời điểm này, việc có được một mức lãi suất hợp lý là rất cần thiết với DN, nhưng điều mà nhiều DN mong muốn nhất là một cơ chế vay thông thoáng hơn từ phía ngân hàng. DN cần được Ngân hàng nâng mức định giá tài sản thế chấp một cách hợp lý hơn và tăng cường cho vay tín chấp, mạnh dạn tiếp sức cho DN đầu tư những dự án SXKD mới, mở lối thoát cho sự bế tắc.

Gỡ khó cho yêu cầu về tài sản thế chấp, tỉnh đã có chủ trương thành lập Quỹ bảo lãnh cho DN vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoài số vốn ngân sách tỉnh bỏ ra 10 tỷ đồng, thì 20 tỷ đồng còn lại do các DN và ngân hàng góp vẫn chưa thu được đồng nào. Đó là chưa nói đến việc, khi Quỹ Bảo lãnh DN ra đời, rất có thể cái khó trong việc thẩm định dự án cho vay của ngân hàng sẽ trở thành điểm nghẽn trong việc quyết định bảo lãnh của quỹ. Bởi vì dù quy định có nới hơn thì Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ cũng sẽ có những điều kiện cụ thể mà DN phải đạt để được nhận bảo lãnh vay vốn ngân hàng. Nếu DN yếu, thiếu dự án, phương án sản SXKD hiệu quả thì lúc này Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ cũng không thể bảo lãnh cho vay bằng mọi giá. Và như vậy, nghịch lý ngân hàng thừa tiền nhưng không cho vay được và DN thiếu vốn lại chẳng được vay chỉ có thể được giải quyết bằng những chính sách vĩ mô và sự khởi sắc mạnh mẽ hơn của nền kinh tế.

7 tháng năm 2014, tăng trưởng huy động vốn của ngành ngân hàng Hà Tĩnh đạt trên 8,42%, trong khi toàn quốc đạt 6,98%; dư nợ tín dụng của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt 4,06% trong khi toàn quốc đạt 3,68%. Mặc dù 2 chỉ số cơ bản của hoạt động ngân hàng ở tỉnh ta cao hơn mức bình quân chung toàn quốc nhưng so với khoảng cách khá xa ở năm 2013, hiện nay, mức chênh lệch giữa Hà Tĩnh và toàn quốc không còn lớn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast